Biên phòng - “Rừng trong phố” là hình ảnh mong muốn của Buôn Ma Thuột trong tiến trình đột phá để phát triển trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, trong chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 1-2020, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, Buôn Ma Thuột phải trở thành đô thị văn hóa du lịch trọng điểm của Tây Nguyên.
Điểm nhấn cho kích cầu du lịch Tây Nguyên là lễ hội cà phê thường được định kì tổ chức 2 năm một lần vào những ngày tháng 3 này. Đây là thời điểm khí hậu Tây Nguyên thuận lợi, cuối mùa khô và chuẩn bị mùa mưa, có nhiều lễ hội cộng đồng và đời sống buôn làng bừng lên trong bản sắc riêng có của núi rừng. Tuy nhiên, sự xâm lấn của đời sống đô thị khiến cho Tây Nguyên dần phai nhạt cá tính. Điều lo lắng của các nhà hoạch định chính sách là có thể Buôn Ma Thuột cũng đang tự phát lớn mạnh, trở thành đô thị na ná về kiến trúc, dáng vẻ hay là sự lặp lại mô hình phát triển như nhiều đô thị khác mà thiếu “màu Tây Nguyên”.
Nhìn lại sự phát triển của Tây Nguyên trong vòng 5 năm qua, lợi thế về du lịch và văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng của vùng đất này. Muốn có một sự nhảy vọt về thành tựu, Buôn Ma Thuột phải thực sự tạo ra đột phá mới bằng cái gốc văn hóa. Nói cách khác, hồn rừng trong phố đã đến lúc không còn tồn tại ở dạng tiềm năng mà phải trở thành thế mạnh hiện hữu.
Đắk Lắk khác biệt với các đô thị trung tâm vùng khác là hiện nay, vốn rừng vẫn còn. Tuy là đô thị lớn nhưng trong vòng bán kính 50km, có các vườn quốc gia với hệ sinh thái đặc biệt như rừng khộp, rừng nhiệt đới, rừng hỗn hợp đặc dụng như Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin... Xen kẽ trong các vùng rừng có các cộng đồng dân cư mà tư duy gắn bó với rừng đã ăn vào tập quán dân tộc. Nghề săn và thuần hóa voi rừng không còn nữa, nhưng di sản đồ sộ về câu chuyện đó, về lịch sử và văn hóa vẫn còn. Việc dùng voi nhà để làm du lịch cũng là hình ảnh của Tây Nguyên bây giờ. Làm du lịch văn hóa như thế nào để rừng vẫn còn đó mà phố thị ngày càng sung túc, đầy đủ, tiện nghi hơn là một bài toán khó.
Một ví dụ dễ thấy là ngay trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột có một khu du lịch dạng cộng đồng rất nổi tiếng – buôn Ako Dong.
Đây vốn là một buôn cũ lâu đời của người Ê Đê gồm nhiều những căn nhà dài nối tiếp nhau, tựa lưng vào rừng. Bây giờ, buôn Ako Dong đã hoàn toàn cuốn vào vòng xoáy thương mại hóa. Các căn nhà dài chỉ rải rác dựng đó để du khách tham quan, hình dung về một cộng đồng dân tộc giàu bản sắc đã từng tồn tại. Trong bản hiếm hoi có các gia đình người Ê Đê giữ được nghề dệt thổ cẩm, rang thủ công hạt cà phê, hạt tiêu và đan lát các món đồ thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch.
Chị H’Hen Y Mai, người hiếm hoi làm nghề truyền thống nói, người Ê Đê giữ chế độ mẫu hệ và chị thừa hưởng mảnh đất của gia đình, trông coi nhà dài và sống giản dị, làm du lịch ở đây. Thậm chí nhiều năm liền, chị vẫn bán các món hàng mình tự làm như các tấm khăn thổ cẩm, rượu ghè, hạt cà phê rang... với giá y như cũ. Trong khi ở làng, bê tông hóa đến tận chân các nhà sàn.
Màu sắc văn hóa dân tộc bị pha tạp nhiều hơn.
“Mình muốn giữ bản sắc dân tộc mình, nhưng những nhà xung quanh xây lớn nhiều, làng không giống làng của ngày xưa nữa” - Y Mai ngậm ngùi. Những cơn lốc biến đổi văn hóa đi cùng với bản sắc ngày một nhòa dần. Đó là một thực tiễn đáng chú ý.
Giữ rừng không chỉ giữ cây, mà chính là giữ bản sắc của đời sống văn hóa đã trải qua hàng ngàn năm gắn bó với rừng. Trong đó, giá trị về kiến trúc – điều căn bản để tạo thành hình ảnh “rừng trong phố” phải được trao vào tay những người kiến thiết thành phố. Nếu hình bóng của nhà dài mất đi, hình ảnh của Tây Nguyên sẽ không còn đặc sắc nữa. Công trình bảo tàng thế giới cà phê thuộc dự án thành phố cà phê rộng 45ha giữa trung tâm Buôn Ma Thuột hiện là ngôi sao kiến trúc của Tây Nguyên.
Đây là bảo tàng sống độc đáo và đặc sắc trong tổng thể thủ phủ cà phê tầm cỡ toàn cầu được đặt ở Buôn Ma Thuột. Tuy là công trình do tập đoàn doanh nghiệp kinh doanh cà phê tạo dựng, nhưng những không gian kiến trúc của bảo tàng như triển lãm, trưng bày, thư viện, thưởng lãm, hội thảo đều kết nối với nhau trong tổng thể một công trình có giá trị văn hóa, kế thừa và tái hiện không gian quen thuộc và đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Về tổng thể, công trình này thiết kế dựa theo kiến trúc nhà dài và sóng âm của dàn âm thanh cồng chiêng, hình dáng như con chim rừng sải cánh lớn, gợi lại nét thiêng của đại ngàn, linh hồn của rừng.
Những kiến trúc như bảo tàng thế giới cà phê sẽ được khuyến khích để bảo tồn hình ảnh của trung tâm đô thị du lịch văn hóa Tây Nguyên cùng với việc hình thành con đường di sản riêng mang dáng dấp “rừng trong phố” của vùng đất này.
Thụy Văn