Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Buôn lậu pháo “nóng” từ đầu năm

Biên phòng - Ngay những tháng đầu năm 2022, các đơn vị BĐBP và lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo trái phép với số lượng lớn, cho thấy hoạt động buôn lậu pháo đang diễn biến rất phức tạp. Để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tuyên truyền để người dân không tiếp tay, sử dụng các loại pháo bất hợp pháp.

Đối tượng Nguyễn Hữu Quý bị lực lượng chức năng bắt giữ cùng tang vật 280kg pháo hoa. Ảnh: Đình Tiến

Trong những năm qua, pháp luật nước ta đã có những quy định rất cụ thể về việc sử dụng pháo. Mới nhất là Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, theo đó, nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Cũng theo nghị định trên, loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Đồng thời, quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số bộ phận không nhỏ người dân ở nước ta vẫn lén lút sử dụng các loại pháo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Lợi dụng điều đó, thời gian qua, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại pháo ở các nước láng giềng về bán để thu lợi bất chính. Các loại pháo chủ yếu được các đối tượng lén lút vận chuyển qua đường mòn biên giới, cất giấu trong xe chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu để vào nước ta. Hoạt động buôn lậu pháo tiềm ẩn gây ra tai nạn cho người sử dụng và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Trước tình hình đó, BĐBP và các lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Chỉ một thời gian sau Tết Nguyên đán 2022, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép với số lượng lớn. Điển hình, ngày 7-3, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Đakrông và Công an huyện Đakrông, Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Quý, sinh năm 1977, trú tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị điều khiển xe ô tô vận chuyển 280kg pháo hoa do nước ngoài sản xuất.

Điều đáng chú ý, khi lực lượng thực hiện nhiệm vụ ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, đối tượng Quý đã điều khiển phương tiện đâm thẳng vào tổ công tác để bỏ chạy, tẩu tán tang vật. Trước đó, ngày 3-3, Đội Trinh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động phối hợp với Đồn Biên phòng Thuận, BĐBP Quảng Trị và Công an xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bắt giữ đối tượng Lê Trọng Việt, sinh năm 1995, trú tại thôn Long Giang, xã Tân Long, điều khiển xe mô tô chở theo 55kg pháo các loại. Qua đấu tranh, Việt khai nhận chở thuê số pháo trên cho một người đàn ông không quen biết, để lấy tiền công 400.000 đồng.

Còn tại Lạng Sơn, ngày 20-2, tại khu vực thôn Nà Làng, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tổ công tác của Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Lòa, BĐBP Lạng Sơn và Công an huyện Cao Lộc; Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Công, sinh năm 1984, trú tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thuê xe taxi chở 71,8kg pháo các loại. Qua đấu tranh, Công khai nhận mua số pháo trên từ một người khác với giá 10 triệu đồng, chuyển về Vĩnh Phúc bán lại kiếm lời.

Thượng tá Lê Phước Chiến, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán 2022, nhiều đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối chặt chẽ với nhau để vận chuyển một lượng pháo lớn tập kết ở biên giới Lào (đối diện với tỉnh Quảng Trị) với mục đích thẩm lậu vào nước ta tiêu thụ.

Tuy nhiên, do BĐBP và các lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, các trục đường vào nội địa, nên chúng không thể thực hiện được hành vi của mình. Chính vì vậy, ngay những tháng đầu năm 2022, một số đầu nậu đã tìm cách vận chuyển pháo về nước để “găm hàng”, chờ thời điểm thích hợp bán ra thị trường”.

Cũng theo Thượng tá Lê Phước Chiến, trước thực tế này, BĐBP Quảng Trị tiếp tục duy trì lực lượng kiểm soát chặt chẽ biên giới, đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để đấu tranh, ngăn chặn. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển pháo trái phép đạt được hiệu quả thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Quan trọng nhất là cần tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và không tham gia tiếp tay, sử dụng các loại pháo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và bị pháp luật cấm.

Viết Lam

Bình luận

ZALO