Biên phòng - Để vận chuyển đường cát ngoại nhập lậu trót lọt vào sâu trong nội địa tiêu thụ, các đối tượng buôn lậu ở tỉnh An Giang đã dùng nhiều chiêu thức khác nhau: Từ cho người canh đường, vận chuyển hàng vào ban đêm, cho đến thay đổi bao bì, nhãn mác, xoay vòng hóa đơn... Tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu trộn lẫn đường nhập lậu với đường nội địa; “hóa lỏng” đường cát, sau đó chế biến thành đường phèn để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.

Trăm ngả đường cát nhập lậu
Lâu nay, tình trạng buôn lậu đường cát ở khu vực biên giới thuộc các địa phương dọc sông Bình Di như: Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình của huyện An Phú và khu vực giáp ranh Gò Tà Mâu, thuộc xã Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang vẫn diễn ra, với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Khi những kho đường cát bên kia biên giới vẫn được các đối tượng nhòm ngó, tìm cách lén lút đưa về Việt Nam rồi đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ thì tình trạng buôn lậu mặt hàng này còn tiếp diễn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phía bên kia biên giới tỉnh An Giang có tổng cộng 26 kho chứa hàng, riêng đoạn biên giới tiếp giáp với thị trấn Long Bình, huyện An Phú có 6 kho hàng nằm sát biên giới. Từ các kho hàng này, các đối tượng lén lút vận chuyển đường qua sông Bình Di, rồi ém vào các “tiểu kho” hoặc chia nhỏ cất giấu trong nhà, sau đó tiếp tục đưa lên các phương tiện khác để chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Nhằm đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu luôn cử người canh gác suốt ngày đêm và liên tục báo tin cho nhau. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các đầu nậu tính toán rất kỹ, chúng gắn trách nhiệm cho đội quân vận chuyển thuê, nếu bị bắt phải bồi thường bằng cách tiếp tục vận chuyển thuê để trừ nợ. Vì vậy, một khi hàng bị bắt, các đối tượng vận chuyển thuê này chống trả gay gắt, táo tợn, hô hoán đông người đến giằng co nhằm cướp lại hàng hóa. Với giá đường trong nước hiện nay chênh lệch với giá đường Thái Lan ít nhất từ 2.000 đồng mỗi ki-lô-gam nên các đối tượng buôn lậu không dễ từ bỏ món hời lớn từ việc buôn lậu.
Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang cho biết: “Vào năm 2015, sau khi lực lượng Công an tỉnh An Giang tổ chức triệt xóa các đường dây buôn lậu có quy mô lớn, do Vi Ngươn Thạnh (biệt danh “Tỷ đường”) cầm đầu, các đối tượng buôn lậu có phần “co cụm” nghe ngóng. Nhưng, cũng chỉ được một thời gian, sau đó chúng lại tiếp tục gia tăng hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn trước. Ngoài các phương thức như: Sử dụng hóa đơn, chứng từ hợp thức hóa đường lậu, thay thế bao bì nhãn mác, gần đây, các đối tượng buôn lậu còn “hóa lỏng” đường để vận chuyển, nhằm gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu”.
Hiện nay, tình trạng buôn lậu đường cát có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động, khiến các cơ quan chức năng phải “đau đầu”. Số lượng đường lậu bị thu giữ vẫn rất “khiêm tốn” so với số lượng vận chuyển trót lọt vào nội địa. Mặt khác, công tác mật phục thường chỉ bắt được người vận chuyển thuê, với các vụ nhỏ lẻ, không bắt được các đối tượng chủ hàng. Vì vậy, công tác xử lý chỉ dừng lại ở tính chất xử phạt vi phạm hành chính, rất ít vụ bị khởi tố, điều tra.
Cần có chế tài đủ mạnh
Thực tế, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là đường cát vẫn còn bộc lộ nhiều sơ hở, do các quy định còn chồng chéo, khó thực hiện. Đối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định mà tiếp tục tái phạm, bởi hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe...
Từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị BĐBP An Giang đã phát hiện, thu giữ trên 100 tấn đường cát. Theo Đại tá Phan Minh Huyền: “Trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh An Giang, các đối tượng mở các lò thủ công để chế biến đường cát thành đường phèn hoặc vận chuyển đường pha với nước từ bên kia biên giới vào nội địa, gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu trong việc truy xuất nguồn gốc. Các đối tượng còn chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, nên khi bị bắt cũng không đủ số lượng để truy tố hành vi buôn lậu. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước để “hợp thức hóa” hàng lậu...”.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, buôn lậu đường cát dự báo có xu hướng gia tăng do nhu cầu của thị trường tiêu thụ vào dịp này. Vì vậy, để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả, bên cạnh lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của cả các cấp chính quyền và người dân. Đồng thời, cần có những chế tài đủ mạnh và có nhiều giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm những kẻ vận chuyển thuê, tiếp tay cho buôn lậu, các chủ đầu nậu.
Lê Đồng