Biên phòng - Buôn H’Mông, xã Ea Kiết từng là một trong những điểm nóng về tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Nhưng từ năm 2020 đến nay, buôn H’Mông chỉ còn 3 trường hợp tảo hôn. Để đạt được kết quả này, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều biện pháp, từ đó, người dân dần thay đổi nếp nghĩ, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn.
Lấy chồng từ thuở 15
Xã Ea Kiết có 13 thôn, buôn, trong đó, có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn chủ yếu xảy ra ở buôn H’Mông. Toàn buôn hiện có hơn 240 hộ với 1.110 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào.
Theo ông Hoàng Văn Páo, Trưởng buôn H’Mông, năm 1993, một số hộ đồng bào dân tộc Mông ở phía Bắc di cư vào khu vực lõi rừng thuộc lâm phần quản lý của Lâm trường Buôn Ja Wầm phát nương làm rẫy. Mỗi năm, dân số tăng lên một ít, chẳng bao lâu sau, nơi đây hình thành cụm dân cư với hàng trăm hộ dân. Trước đây, buôn H’Mông còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến nhất, khiến nơi đây từng trở thành điểm nóng về tảo hôn. Nhiều trẻ em bỏ học giữa chừng, lập gia đình sớm, sinh đông con, đẩy người dân rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Dẫn chúng tôi đến gặp một số cặp vợ chồng trẻ, ông Páo bảo, ở đây có những cặp vợ chồng tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có 2-3 con, tay bồng, tay bế. Điển hình là Hoàng Văn Dại (sinh năm 2002) lấy vợ từ khi 16 tuổi, vợ 15 tuổi. Đến nay, vợ chồng Dại đã có 2 con. Dại chia sẻ: “Chúng em cưới khi chưa đủ tuổi, không được đăng ký kết hôn nên 2 con của em đến giờ vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Đất đai, nhà cửa không có, vợ chồng em sống cùng bố mẹ, hàng ngày cùng nhau lên rẫy, mọi chi phí, trang trải sinh hoạt trong nhà phụ thuộc vào bố mẹ hết. Không biết tương lai sẽ thế nào, chứ như thế này vất vả quá. Việc trước mắt vợ chồng em phải làm ngay là đi đăng ký kết hôn, làm khai sinh để con chuẩn bị vào lớp 1. Rồi vợ chồng rủ nhau cố gắng để nuôi con ăn học, sau này lớn lên kiếm lấy cái nghề”.
Tương tự, vợ chồng Lò Văn Hùng (sinh năm 1997) và Hoàng Thị Nhi (sinh năm 1998) về sống với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Đó là năm 2012, khi Hùng tròn 16 tuổi, còn Nhi mới tuổi 15. Mới hơn 20 tuổi, nay vợ chồng Hùng đã có với nhau 2 mặt con, đứa lớn lên 8 tuổi. Lập gia đình, tách hộ, vợ chồng Hùng không có đất sản xuất, cả hai phải đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập trang trải cuộc sống. Vì vậy mà gia đình trẻ cứ luẩn quẩn trong nghèo khó. Hùng cho biết: “Mình bỏ học từ khi mới lên lớp 5 vì bố mất sớm, nhà đông em, mình phải ở nhà phụ mẹ trông các em. Rồi lớn lên, mình lấy vợ. Giờ có con rồi, vợ chồng mình chỉ nghĩ phải cố gắng làm việc có tiền nuôi con, cho con được đi học cái chữ để sau này bớt khổ”.
Không chỉ tảo hôn, trước đây, nhiều phụ nữ buôn H’Mông này có thói quen tự sinh con tại nhà. Chị Hà Thị Chang kể: “Cả 4 đứa con mình đều sinh tại nhà. Nghĩ chồng được bà nội truyền kinh nghiệm đỡ đẻ, mình sinh cũng không khó nên cứ để ở nhà chồng đỡ sinh, chẳng ra trạm y tế xã gì hết. Trước đây là vậy, còn bây giờ, bà con biết ra trạm y tế sinh nở rồi”.
Buôn H’Mông thay đổi từng ngày
Buôn H’Mông được thành lập năm 1996. Lúc đó, buôn còn sống trong rừng. Năm 2009, Nhà nước xây dựng khu tái định cư, đưa người dân ra gần trung tâm xã sinh sống. Cuộc sống người dân đang dần thay đổi từng ngày.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể bám sát đời sống dân cư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động người dân mà đến nay, tình trạng tảo hôn đã giảm nhiều. Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến nay, buôn H’Mông chỉ còn 3 trường hợp tảo hôn.
Theo trưởng buôn Hoàng Văn Páo, trước đây, các cháu bỏ học sớm rồi lập gia đình không kể tuổi tác. Có những trường hợp bị gia đình ngăn cấm, các cháu còn uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Rồi người dân dần hiểu rõ và nhận thức được kết hôn sớm không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn mang đến nhiều hệ lụy, nên tình trạng tảo hôn đã giảm đi rất nhiều. Hiện tại trong buôn có nhiều cặp vợ chồng trẻ đi làm thuê tại các tỉnh xa, gửi con lại cho ông bà chăm sóc.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết khẳng định: “Đến nay, tình trạng tảo hôn ở buôn H’Mông đã giảm đi trông thấy. Để đẩy lùi được hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình đến từng hộ dân. Cán bộ chuyên trách xã cùng Ban tự quản buôn bám sát đời sống người dân để kịp thời tuyên truyền, vận động người dân cương quyết xóa bỏ các tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới... Cán bộ xã còn đến từng nhà phân tích để người dân hiểu về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giải thích để bà con hiểu kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật. Còn đối với những thuần phong mỹ tục tốt đẹp thì khuyến khích đồng bào phát huy, gìn giữ để nhân lên nét đẹp văn hóa trong đời sống của cộng đồng”.
Hoàng Lê