Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 04:56 GMT+7

Buôn bán người, câu chuyện chưa có hồi kết

Biên phòng - Mấy năm gần đây, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh gia tăng đột biến. Điều đáng nói là, bọn buôn người táng tận lương tâm luôn tìm mọi hình thức, mánh khóe, câu móc, dụ dỗ các nạn nhân, kể cả người thân để bán ra nước ngoài hòng kiếm lời. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu để có thể chặn đứng "vấn nạn" đáng báo động này!

565x551_18-1.JPG
Đối tượng Vi Văn Bạch phạm tội mua bán người bị Đồn BP Bắc Sơn bắt ngày 2-5-2015. Ảnh: Lê Đồng
 
Tình trạng đáng báo động

Trong những năm gần đây, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em trận tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh ra nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về tính chất và quy mô như: Tổ chức đường dây chặt chẽ, câu kết với các đối tượng nước ngoài…

Điều đáng báo động là, bên cạnh số đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, nhiều phụ nữ, trẻ em đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm gái mại dâm khi trở về Việt Nam thăm quê hương, vì đồng tiền lại trở thành tội phạm lừa bán phụ nữ, trẻ em, kể cả người thân trong gia đình.

Các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp tương đối đồng bộ nhằm giải quyết tận góc rễ vấn nạn nguy hiểm nói trên, song thời gian qua, tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới vẫn không thuyên giảm, đặc biệt là tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc. Theo số liệu từ Đồn BP Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh, từ năm 2011 đến đầu năm 2015, đơn vị đã bắt giữ, xử lý tổng số 12 vụ/13 đối tượng, giải cứu 17 phụ nữ, 6 trẻ em.

Cụ thể: Vào hồi 10 giờ, ngày 15-10-2013, tại khu vực biên giới TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đồn BP Bắc Sơn đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Lương Văn Thoong, thường trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang lừa dẫn 2 trẻ em vượt biên sang Trung Quốc để bán lấy tiền.

Tiếp đó, ngày 28-8-2014, Đồn BP Bắc Sơn nhận được nguồn tin tại bờ sông khu vực biên giới thuộc khu 7, phường Hải Yến, TP Móng Cái, đơn vị đã bắt quả tang đối tượng Hoàng Thị Hồng, thường trú tại tỉnh Nam Định, lấy chồng người Trung Quốc về quê chơi, lợi dụng vợ chồng em trai đi làm, đã bắt cóc 2 cháu ruột của mình đưa sang Trung Quốc bán. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hồng khai nhận, từ tháng 10-2012 đến khi bị bắt, đối tượng đã 5 lần đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc bán lấy tiền.

Nhìn lại những vụ án mua bán người tại biên giới tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, có thể thấy, bọn buôn người thường tổ chức thành đường dây chặt chẽ trong và ngoài biên giới, chúng thường lợi dụng các đường mòn, lối mở và tìm cách trốn tránh lực lượng kiểm tra, kiểm soát biên giới, đưa người qua sông sang bên Trung Quốc để bán.

Ngoài ra, chúng còn triệt để sử dụng các chiêu bài như: Tìm kiếm, môi giới việc làm, dịch vụ hôn nhân, sau đó lừa bán ra Trung Quốc. Các nạn nhân bị bán chủ yếu cưỡng ép bị làm vợ hoặc gái mại dâm tại các nhà hàng, khách sạn, hộp đêm… Điều đáng báo động là, mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường triển khai các biện pháp chống mua bán người nhưng hoạt động tội phạm này vẫn không giảm, trái lại, có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp.

Cần có những giải pháp?

Qua các vụ mua bán người xảy ra gần đây cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người ra nước ngoài còn tiềm ẩn và diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng thực hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đáng chú ý là, số phụ nữ lấy chồng sang Trung Quốc và người Việt Nam cư trú, hành nghề bất hợp pháp bên Trung Quốc lợi dụng về Việt Nam thăm thân đã câu kết với các đối tượng ở trong nội địa để lừa bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.

Trong đó, phương thức dụ dỗ của chúng chủ yếu thông qua mạng xã hội trên Internet như Facebook, Zalo hay điện thoại để "kết bạn", sau đó rủ ra TP Móng Cái chơi, lừa sang Trung Quốc thăm thân, du lịch hoặc tìm việc làm với công việc nhàn hạ, lương cao. Thực tế, qua các vụ án mua bán người bị phát giác mà nạn nhân may mắn tự trốn thoát được hoặc được giải cứu cho thấy, trong các động mại dâm, họ bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho những du khách nước ngoài hoặc những người đàn ông bản xứ. Ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn phải lao động quần quật ngày đêm, nếu trái lời hoặc bỏ trốn, họ sẽ bị giam cầm và bị đánh đập thậm tệ.

Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, BĐBP Quảng Ninh cho biết: "Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh, đơn vị thường xuyên mở các đợt cao điểm phòng chống tội phạm buôn người, đặc biệt là công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh để mọi người dân nâng cao cảnh giác, từ đó tham gia tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người phải đặc biệt coi trọng, vừa chống, vừa phòng ngừa, vừa phải mạnh tay để trấn áp. Song để chặn đứng được "vấn nạn" xã hội nguy hiểm này, cần có sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng. Có như vậy, tội phạm mua bán người mới sớm được đẩy lùi".

Buôn bán phụ nữ, trẻ em dường như là câu chuyện chưa có hồi kết, bởi nó vừa kết thúc với người này nhưng lại có thể bắt đầu với người khác. Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, buôn bán phụ nữ, trẻ em còn để lại những hậu quả khôn lường cho gia đình và nạn nhân…

Vì vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người muốn đạt được hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, một mặt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho người dân, mỗi gia đình và xã hội, mặt khác, cần phải kiên quyết mạnh tay xử lý những kẻ bất lương gây ra nỗi đau cho các gia đình nạn nhân. Có như vậy mới ngăn chặn được loại tội phạm nguy hiểm này.
Lê Đồng

Bình luận

ZALO