Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 05:48 GMT+7

Bước tiến quan trọng của Thỏa thuận hạt nhân I-ran ở Quốc hội Mỹ

Biên phòng - Ngày 2-9, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã tập hợp đủ số phiếu ủng hộ cần thiết tại Thượng viện để đảm bảo thỏa thuận hạt nhân do Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được với I-ran giữa tháng 7 vừa qua, sẽ có hiệu lực. Đây được xem là thắng lợi quan trọng của Tổng thống Ô-ba-ma để thỏa thuận hạt nhân dễ dàng thông qua tại Quốc hội Mỹ trong những ngày tới.

anh-bai-chinh-3-1.jpg
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma có đủ số phiếu tại Quốc hội để thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân I-ran. Ảnh: Reuters

Kết quả này có được sau khi Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Ma-ri-len Bác-ba-ra Mi-cun-xki trở thành Thượng nghị sĩ thứ 34 tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân I-ran. Như vậy, tới nay đã có 32 Thượng nghị sĩ Dân chủ và 2 Thượng nghị sĩ độc lập tuyên bố ủng hộ thỏa thuận, đồng nghĩa với việc phe Cộng hòa sẽ không thể tập hợp đủ một đa số áp đảo tại Thượng viện gồm 100 ghế của nước này để thông qua nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân I-ran, đồng thời vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Ô-ba-ma.

Đây có thể coi là một thắng lợi quan trọng của Chính quyền Ô-ba-ma sau những nỗ lực vận động hành lang trong mùa Hè vừa qua. Điều này có nghĩa, trong bối cảnh nhiệm kỳ Tổng thống sắp kết thúc, phe Cộng hòa nắm giữ quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội và đang nhắm tới mục tiêu quan trọng là Nhà Trắng, nhà lãnh đạo da màu của nước Mỹ ngày càng tiến gần hơn tới một chiến thắng quan trọng, nhiều khả năng sẽ là di sản nổi bật của ông trên cương vị người đứng đầu đất nước.

Trước đó, ngày 14-7, sau 13 năm đàm phán dai dẳng, I-ran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về hồ sơ hạt nhân của Tê-hê-ran, theo đó, I-ran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu u-ra-ni, đổi lại, những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ được từng bước dỡ bỏ, có thể "sớm nhất từ đầu năm 2016".

v85b_11a-1.jpg
Người dân I-ran đổ ra đường ăn mừng sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và các nước P5+1 đạt được vào ngày 14-7 vừa qua. Ảnh: Reuters

Theo Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri, thỏa thuận đạt được ngày 14-7 vừa qua sẽ mang lại các giải pháp toàn diện và lâu dài hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của I-ran so với bất cứ một phương án thay thế nào khác. Một khi được triển khai, I-ran sẽ chịu "sự giám sát chặt chẽ vĩnh viễn" và điều này cũng sẽ giúp thế giới tin tưởng chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran chỉ phục vụ mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, thỏa thuận này bị gặp khó ở ngưỡng cửa Quốc hội Mỹ khi phe Cộng hòa tuyên bố sẽ tìm mọi cách để phủ quyết. Ngoại trưởng Giôn Ke-ri cảnh báo, nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận đạt được giữa Nhóm P5+1 và I-ran, điều đó đồng nghĩa Mỹ sẽ bị cô lập với quốc tế cũng như tạo cơ hội cho Tê-hê-ran tăng gấp đôi tốc độ làm giàu u-ra-ni, tiếp tục vận hành lò phản ứng nước nặng với công suất tối đa, hay lắp đặt các máy ly tâm mới với hiệu suất cao hơn mà không có sự giám sát chặt chẽ.

Giới phân tích nhận định, để ngăn chặn nghị quyết bác bỏ thỏa thuận do phe Cộng hòa đề xuất, đảng Dân chủ phải tập hợp đủ ít nhất 41 phiếu ủng hộ. Để làm được điều này, Chính quyền Ô-ba-ma cần giành thêm được 7 phiếu ủng hộ nữa trong số 10 Thượng nghị sĩ vẫn chưa tuyên bố ủng hộ hay phản đối thỏa thuận.

Dự kiến, các nhà lập pháp tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành thảo luận về thỏa thuận này ngay khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thu vào ngày 8-9 tới và có kế hoạch bỏ phiếu về "một dự luật bác bỏ thỏa thuận hạt nhân I-ran" vào ngày 17-9 tới.

Tuy nhiên, ngay cả khi Quốc hội Mỹ có thông qua một nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 đạt được với I-ran, điều đó cũng chỉ đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp Mỹ duy trì các đòn trừng phạt của nước này đối với Tê-hê-ran, chứ không thể ngăn chặn thỏa thuận này có hiệu lực.

Bởi trên thực tế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân I-ran hồi tháng 7 vừa qua và đề ra những cách thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ngọc Giang

Bình luận

ZALO