Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Bước tiến mới của nông sản

Biên phòng - Sự kiện nhà máy chế biến rau củ quả đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ đang làm nức lòng người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam. Cụ thể Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood được khánh thành ngày 6-1, tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh được đánh giá có năng lực chế biến lớn nhất Việt Nam hiện nay và là một trong 5 nhà máy có công nghệ hiện đại nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.

a20binh202-1546777533067713236139-crop-15467775447921338123542
Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ đang làm nức lòng người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: CTV

Với dây chuyền sản xuất tiên tiến hàng đầu trên thế giới, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành, nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm gồm các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Cùng với nhà máy Tanifood, trong thời gian qua, cả nước đã có 8 nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn (tổng đầu tư khoảng 5.710 tỷ đồng) đi vào vận hành, bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2018.

Đây được coi là một thành quả vô cùng ấn tượng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi chỉ cách đây vài năm, xuất khẩu rau quả trong tình trạng bết bát. Các nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng người dân phải đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và cải thiện đời sống, thu nhập cho nông dân. Nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải... đã được các thị trường khó  tính chấp nhận.

Cùng với cách làm theo mô hình liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối), khép kín theo chuỗi giá trị, chúng ta tin tưởng các nhà máy chế biến nông sản không chỉ giúp sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam phát triển các thương hiệu lớn, mà còn là đòn bẩy quan trọng nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trong hội nhập của nông sản Việt Nam. 

Dù vậy, thành tựu đạt được của ngành rau quả Việt vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng. Vẫn còn nhiều tồn tại cần tập trung giải quyết. Trong đó, cùng với việc thiếu các bộ giống tốt, cơ giới hóa trong sản xuất còn chậm, khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn rất yếu. Ngành công nghiệp bảo quản chế biến sau thu hoạch còn chậm phát triển, ít được quan tâm dẫn đến tỷ lệ thất thoát rất lớn, chất lượng sản phẩm bị giảm rất nhiều trong quá trình lưu thông và chưa tạo ra được giá trị gia tăng trong chế biến sâu.

Theo các chuyên gia kinh tế, đất nước đang rất cần có thêm nhiều nhà máy mang thương hiệu Việt với công nghệ hiện đại như nhà máy Tanifood, để hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Bởi, cả nước hiện chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả, chiếm 2,19% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất chế biến mới đạt 1,2 triệu tấn/27 triệu tấn sản lượng trung bình mỗi năm. Tỷ lệ rau quả qua chế biến của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Phi-lippin tỷ lệ chế biến đạt 28%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%...

Theo dự báo, những năm tới, thị trường rau quả trên thế giới tiếp tục tăng trưởng với doanh thu của các sản phẩm rau quả chế biến được dự đoán sẽ đạt 317 tỷ USD vào năm 2021.

Để tận dụng được tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp cần tiếp tục định hình một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo các trục sản phẩm gắn với vùng miền, xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, tạo lập được một nền sản xuất có chứng nhận.

Trong xu thế nói trên, ngành chế biến nông sản phải thu hút được các doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu cho nông sản Việt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính quyền các địa phương, người dân vùng nguyên liệu phải đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất. 

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO