Biên phòng - Cái bắt tay lịch sử mà “cứ ngỡ như trong phim viễn tưởng” đã khởi đầu cho những bước tiến lớn mà Mỹ và Triều Tiên đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Singapore ngày 12-6 vừa qua. Với việc ký Tuyên bố chung 4 điểm, đây sẽ là bước khởi đầu mới để Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo Tuyên bố chung 4 điểm được Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tại Singapore, hai bên nhất trí thiết lập quan hệ song phương kiểu mới; nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên; và cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.
Cũng tại cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên bên cạnh các đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng. Ông Donald Trump cũng hứa ngừng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trong khi tiếp tục đàm phán với Triều Tiên. Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mời Tổng thống Donald Trump tới Bình Nhưỡng và cũng đồng ý nhận lời mời đến thăm Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công là một tiến triển lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trong một thông báo trên Twitter, ông Donald Trump viết: "Thế giới đã lùi một bước lớn cách xa thảm họa hạt nhân tiềm tàng!" Ông nhấn mạnh: "Không còn phóng tên lửa, không còn thử nghiệm hay nghiên cứu hạt nhân nữa! Các con tin đã trở về nhà với gia đình. Cảm ơn ông Chủ tịch Kim, ngày chúng ta gặp nhau là một ngày lịch sử".
Tuy nhiên, việc hai nhà lãnh đạo ký Tuyên bố chung 4 điểm cũng tạo ra những phản ứng trái chiều ngay trong chính giới Mỹ. Phát biểu khai mạc một cuộc họp của Thượng viện, lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, cho biết ông ủng hộ những mục tiêu được đề ra trong tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song cũng nhấn mạnh Washington phải sẵn sàng phản ứng nếu Bình Nhưỡng không thực hiện những mục tiêu này. Ông Mitch McConnell nêu rõ, nếu Triều Tiên không cho thấy thiện chí thực hiện những mục tiêu trong tuyên bố chung, Mỹ và các đồng minh phải sẵn sàng khôi phục chính sách gây sức ép tối đa đối với nước này.
Trái ngược với ý kiến trên, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer "chê bai" thỏa thuận đạt được giữa ông Trump và ông Kim, cho rằng ông chủ Nhà Trắng đã "từ bỏ" sự ảnh hưởng quan trọng trong các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và giới chức Nhà Trắng, mọi thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ phải đệ trình lên Thượng viện như một hiệp ước hòa bình và phải cần sự thông qua của 2/3 Thượng viện, đồng nghĩa với việc văn kiện này của Tổng thống Trump sẽ cần sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ.
Bất luận thế nào, việc hai nhà lãnh đạo ở hai quốc gia từng là thù địch ngồi lại với nhau đã là một thành công lớn. Điều cần làm trong thời gian tới là tiến hành thực thi những thỏa thuận đã ký kết. Hiện Liên hợp quốc đã khẳng định có thể tham gia hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí ban đầu cho việc phi hạt nhân hóa nếu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bắt đầu các cuộc thanh sát hạt nhân tại Triều Tiên.
Thu Uyên