Biên phòng - Ngày 25-6, trong một quyết định vấp phải sự phản đối của một số nước, Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (CoE) đã bỏ phiếu chấm dứt việc đình chỉ Nga tham gia tổ chức này. Từ năm 2014, đại diện của Nga không được phép tham dự CoE xuất phát từ nguyên nhân Crimea rời Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Những nước ủng hộ việc khôi phục sự tham gia của Nga trong CoE cho rằng, việc Nga xa rời tổ chức sẽ gây khó khăn trong trường hợp công dân Nga muốn đệ đơn kiện lên Tòa án châu Âu về nhân quyền – một nhánh cơ quan của CoE. Còn những nước phản đối lập luận rằng, châu Âu đang nhượng bộ trước sự kiện Nga sáp nhập Crưm và quan trọng hơn là, bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Moskva.
Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevich đã bày tỏ sự phản đối đối với quyết định của CoE và phê phán Đức, Pháp đã dàn xếp để thỏa hiệp với Nga.
Về phía Nga, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại, Quốc hội Nga, ông Leonid Slutsky cho biết, hội nghị đã tạo một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền của các phái đoàn quốc gia. Ông Leonid Slutsky còn cho biết, phái đoàn của Nga sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào khác của CoE. Cuộc bỏ phiếu nhận được 118 phiếu thuận, 62 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Số phiếu thuận đến từ các nước Đức, Pháp, Italy, Bỉ và các nước Nordic. Đại biểu thuộc các nước Anh, Ukraine, Gruzia và các nước Baltic phản đối việc trở lại của Nga. Trước đó, Nga tuyên bố sẽ từ bỏ CoE hoàn toàn, nếu không được khôi phục đúng thời điểm bỏ phiếu bầu Tổng Thư ký của CoE.
Năm 2014, Nga bị tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu trong vòng 2 năm, do việc sáp nhập Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine trong cuộc nội chiến tại nước này. Năm 2016, Nga phản ứng bằng cách tẩy chay CoE và từ năm 2017, từ chối trả khoản đóng góp hằng năm là 32,8 triệu euro (tương đương khoảng 37,1 triệu USD) - đây là một khoản lớn so với ngân sách của CoE. Nga tham gia lại CoE đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiếp tục đóng góp tiền quỹ cho tổ chức.
Được thành lập vào năm 1949, có trụ sở tại Strasbourg, Pháp, Ủy hội châu Âu là tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ, nhân quyền và pháp quyền của 47 quốc gia thành viên, bao gồm cả 28 thành viên các nước Liên minh châu Âu, chiếm số dân khoảng 800 triệu người. Tòa án Nhân quyền châu Âu - cơ quan của Ủy hội châu Âu - có nhiệm vụ thực thi Công ước Nhân quyền của châu Âu - văn bản tất cả các nước thành viên cam kết duy trì.
Tham gia tổ chức có Bộ trưởng Ngoại giao của tất cả các quốc gia thành viên cùng một hội đồng nghị viện gồm các nhà lập pháp thuộc các nước thành viên. Cuộc bỏ phiếu dỡ bỏ việc đình chỉ Nga đã được Bộ trưởng Ngoại giao các nước nhất trí tổ chức từ tháng 5 năm nay - sau những nỗ lực vận động của Pháp và Đức. Ngoại trưởng Đức Haiko Maas cho biết, việc thỏa hiệp trên sẽ giúp thúc đẩy đối thoại với Nga, đặc biệt trong bối cảnh Nga và phương Tây xảy ra nhiều bất đồng mang tính cơ bản.
Cùng với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), CoE là tổ chức thứ 2 mà Nga có đầy đủ tiếng nói và sức ảnh hưởng chính trị quan trọng. Nhiều chuyên gia phân tích, nếu mất vị trí tại CoE sẽ khiến Nga suy yếu sức mạnh quốc tế, làm sâu sắc thêm các vấn đề trong chính sách đối ngoại và tăng sự cô lập của Nga đối với phương Tây. Bước nhượng bộ mới của phương Tây đối với Nga sẽ giúp Nga tăng cường hợp tác trong cải cách luật pháp, trong cuộc chiến chống khủng bố và ma túy cũng như hợp tác trong các lĩnh vực thể thao, văn hóa...
Hà Thu