Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 01:53 GMT+7

Cuộc đàm phán cấp cao lịch sử liên Triều:

Bước ngoặt lớn cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Biên phòng - Sau hơn hai năm ngưng trệ, ngày 9-1, tại làng đình chiến Panmunjom đã diễn ra cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên. Cuộc đàm phán đã kết thúc với một kết quả tích cực vượt ngoài kỳ vọng, tạo tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị bế tắc lâu nay. Kết quả cuộc gặp một lần nữa chứng minh rằng bằng thiện chí và chân thành, các bên có thể vượt qua được rất nhiều bất đồng để tìm được tiếng nói chung.

5a56bdc2471e3c1590000d74
Quang cảnh cuộc đàm phán liên Triều ngày 9-1. Ảnh: Getty

Đàm phán cấp cao liên Triều đã được hai bên nhất trí sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp Năm mới bày tỏ sẵn sàng cử một phái đoàn của Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 và cho biết, Triều Tiên để ngỏ đối thoại. Trưởng đoàn Triều Tiên tham gia cuộc đàm phán liên Triều là ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK). Trong khi đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon dẫn đầu phái đoàn phía Hàn Quốc tham gia đàm phán.

Trong Tuyên bố đưa ra sau hội đàm, phía Triều Tiên khẳng định sẽ cử đoàn Ủy ban Olympic Quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đoàn trình diễn Taekwondo và đoàn phóng viên tới Hàn Quốc tham dự Olympics mùa Đông PyeongChang 2018. Ngoài ra, hai bên đạt được thỏa thuận về việc sẽ tiến hành tổ chức hội đàm quân sự nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều; tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao cũng như các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Đánh giá cao nỗ lực của hai phía, trong cuộc họp báo Năm mới được phát sóng trên truyền hình toàn quốc ngày 10-1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In cam kết sẽ tăng cường nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh đây là cách duy nhất để tiến tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên: “Mục tiêu cuối cùng của các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hàn Quốc là ngăn chặn việc tái diễn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên”.

Bên cạnh đó, ông Moon Jae-In cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan khác trong tiến trình kiến tạo hòa bình trong khu vực và giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh cuộc gặp liên Triều lịch sử này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh những tiến triển trong cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng quân sự, cũng như hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng cử phái đoàn tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc vào tháng tới.

Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 9-1 cũng như những cuộc tiếp xúc sắp tới sẽ mở ra con đường đối thoại rộng mở hơn về các vấn về giải giáp vũ khí hạt nhân.

“EU hy vọng rằng các cuộc đàm phán cùng các trao đổi trong tương lai giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tạo nên "cú hích" cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và chuẩn bị cho việc Triều Tiên cam kết tham gia vào một cuộc đối thoại sâu rộng, đáng tin cậy và có ý nghĩa hơn, nhằm theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, thực sự và không thể đảo ngược", Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nhấn mạnh.

5a56c051f9ff191ea1000cd2
Hai trưởng đoàn tham gia cuộc đàm phán liên Triều ngày 9-1. Ảnh: AFP

Trong một động thái thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng nhằm đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, sáng 10-1, Bộ Quốc phòng hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành thử đường dây nóng quân sự giữa hai miền vừa được nối lại.

Một thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đoạn nêu rõ: “Bắt đầu từ 8 giờ hôm nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đường dây liên lạc quân sự ở khu vực Hoàng Hải và kết quả cho thấy hai bên đã liên lạc một cách bình thường trong khoảng 5 phút”. Trước đó, đường dây liên lạc quân sự trên biển Hoàng Hải đã bị Triều Tiên cắt đứt vào tháng 2-2016 nhằm phản ứng trước việc Chính phủ Hàn Quốc chấm dứt hoạt động của khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong.

Cùng ngày, Hàn Quốc đã bắt đầu các bước chuẩn bị cho cuộc đàm phán quân sự đầu tiên với Triều Tiên trong suốt hơn 3 năm qua. Dự kiến, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ đề nghị thời điểm và địa điểm cho các cuộc đàm phán sắp tới, có thể là vào cuối tuần này hoặc tuần sau, thông qua đường dây nóng quân sự liên Triều vừa được nối lại. Bộ trên dự kiến cũng sẽ nêu đề xuất giảm căng thẳng dọc tuyến biên giới chung giữa hai miền Triều Tiên.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO