Biên phòng - Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với lý do cáo buộc Nga đã không tuân thủ Hiệp ước. Chính quyền Mỹ cho biết, việc rút khỏi Hiệp ước sẽ chính thức diễn ra trong 6 tháng tới.
Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong những năm qua dường như có xu hướng phá vỡ các cấu trúc an ninh, hợp tác quốc tế đang hoạt động ổn định xuyên suốt hàng chục năm. Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang có 2 xu hướng lớn là rút khỏi các cơ chế hợp tác quốc tế và quan hệ ngày càng xấu hơn với Nga.
Theo đó, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục rút khỏi các thỏa thuận quốc tế gồm: Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức); Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga năm 1988; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Mỹ cũng đang để ngỏ khả năng chấm dứt Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) ký với Nga năm 2010 và gia hạn vào đầu năm 2021.
Theo một kịch bản giống nhau, Mỹ cáo buộc các nước khác và tự rút lui khỏi các cơ chế hợp tác. Những cáo buộc này luôn gây ra những tranh cãi gay gắt trong cộng đồng quốc tế, gồm cả các đồng minh của Mỹ. Phản ứng mạnh mẽ nhất là Nga với lời khẳng định, nước này không hề vi phạm Hiệp ước, đồng thời, lên án hành động đơn phương của Mỹ và bày tỏ mong muốn đối thoại với Mỹ để giải quyết những bất đồng trên cơ sở bình đẳng, hợp tác. Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đưa ra cảnh báo rằng, việc chấm dứt các hoạt động hợp tác như trên của Mỹ có thể gây ra sự xáo trộn lớn và có nguy cơ gây ra những cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.
Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng bày tỏ sự lo ngại về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, đồng thời, kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định này. Trong đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định, Đức sẽ làm mọi cách để tuân thủ và duy trì Hiệp ước. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg không đưa ra lời ủng hộ quyết định của Mỹ và cho biết, các nước thành viên NATO mong muốn củng cố sự hợp tác mang tính xây dựng nhằm thắt chặt an ninh, ổn định, hòa bình.
Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực từ năm 2002 và từ đó đã có khoảng 1.500 chuyến bay trinh sát không vũ trang được thực hiện bởi 35 quốc gia thành viên trên không phận của nhau nhằm thu thập dữ liệu quân sự với mục tiêu củng cố lòng tin. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, căn cứ theo quan điểm của chính quyền Mỹ trong nhiều tuyên bố cho thấy, việc thu thập hình ảnh từ các chuyến bay theo Hiệp ước là cách thức cũ có chi phí lớn. Trong khi đó, với công nghệ hiện tại của Mỹ, việc thu thập hình ảnh từ vệ tinh có chi phí thấp hơn và tiện lợi hơn rất nhiều. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ rút khỏi Hiệp ước này.
Trong quan hệ Nga - Mỹ, động thái mới này của Mỹ vẫn được coi là “bình thường”, bởi mối quan hệ giữa hai nước vốn đã xấu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước là có thật khi các cơ chế ngăn chặn đang dần bị phá bỏ. Trong trường hợp xảy ra “chiến tranh lạnh”, nhiều quốc gia khác cũng sẽ tham gia và gây nên sự mất cân bằng của thế giới. Đây cũng là lúc cộng đồng quốc tế thể hiện vai trò của mình nhằm duy trì chủ nghĩa đa phương vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa đơn phương.
Thanh Trúc