Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Bước chuyển mình ở huyện đảo Cần Giờ

Biên phòng - Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) khoảng 50km về hướng Đông Nam, huyện Cần Giờ từng được biết đến là mảnh đất “chết” do hứng chịu nhiều bom, đạn, chất độc hóa học trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của chính quyền địa phương và đồng lòng của người dân, Cần Giờ hiện nay không chỉ là “lá phổi xanh” của TP HCM, mà còn là vùng đất “vàng” với nhiều tiềm năng về du dịch, kinh tế biển.

mc04_5a
Nhiều người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) phát triển hiệu quả mô hình nuôi cá bớp.Ảnh: Hồ Phúc

Trước năm 1975, huyện Cần Giờ, TP HCM là địa phương có dân cư thưa thớt, kinh tế-xã hội chậm phát triển. Bên cạnh đó, Cần Giờ được bao phủ bởi sông và biển, gần như “biệt lập” với các khu vực lân cận.  Vì thế, trong chiến tranh, mảnh đất này được địch chọn làm căn cứ quân sự tiền tiêu. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Cần Giờ là vùng đất hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Chỉ riêng cuộc chiến tranh chống Mỹ, nơi đây đã phải hứng chịu 2 triệu tấn bom đạn, hơn 4 triệu lít chất độc hóa học. Dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP HCM, chính quyền và người dân huyện Cần Giờ đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, cùng nhau chung sức bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển mới. 

Nếu như trước đây, người dân Cần Giờ sống chủ yếu bằng nghề mò cua bắt ốc, một số gia đình có điều kiện hơn thì sắm con thuyền nhỏ đi thả lưới, cuộc sống của người dân cơ cực vì thiếu ánh đèn điện. Nhưng giờ đây, nhiều mô hình mới, nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã được bà con chọn làm kế sinh nhai trên mảnh đất đã bị bom cày, đạn xới ngày nào như: Làng nghề cá (xã Thạnh An), làng nuôi chim yến (xã Tam Thôn Hiệp), nghề muối (xã Lý Nhơn), nghề nuôi cá bớp (xã đảo Thạnh An)... Đặc biệt, Cần Giờ có hơn 32.000ha rừng phủ xanh toàn huyện, gồm nhiều loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh. Ngày 21-1-2000, Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển với tiềm năng và thế mạnh về du lịch sinh thái rừng-biển, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Năm 2010, Cần Giờ bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân ở vùng đất này đã tận dụng những lợi thế về du lịch, nuôi trồng thủy sản cùng với các nguồn lực khác để hôm nay, vùng đất này ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Được biết, ngay khi bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, các công trình giao thông được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân. Trong đó, đầu năm 2011, tuyến đường Rừng Sác xuyên qua vùng đất đầm lầy, nhiều sông rạch được chính thức khánh thành với 6 làn xe, dài hơn 31km, từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Việc hoàn thành con đường huyết mạnh Rừng Sác đã làm thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần phát triển mạnh du lịch sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của huyện Cần Giờ và TP HCM.

Đến thời điểm hiện nay, bộ mặt nông thôn các địa phương huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hoàn chỉnh, làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua quá trình xây dựng nông thôn mới, đường sá nơi đây trở nên khang trang, sạch, đẹp, nhiều ngôi trường, trạm y tế, cầu, cống được xây dựng mới. Các tuyến đường liên xã, liên ấp được rải nhựa, bê tông phẳng lỳ, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, hệ thống siêu thị, hàng quán... mọc lên ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Bà Nguyễn Thị Duy (sinh năm 1944), trú tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ chia sẻ: “So với hơn 10 năm về trước, cuộc sống của người dân hiện nay đã đổi thay nhiều lắm. Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, để đi lên trung tâm TP HCM phải mất 5 đến 6 giờ đồng hồ, hiện nay chỉ chừng 1 giờ là đến nơi. Nhiều tuyến đường trong xã, ấp, ban đêm được thắp đèn điện sáng trưng, người dân đi lại rất dễ dàng. Riêng gia đình tôi 2 năm trước, kinh tế rất khó khăn, nhưng nhờ sự định hướng, hỗ trợ phát triển kinh tế của Đồn Biên phòng Long Hòa (BĐBP TP HCM) và chính quyền địa phương, đến nay, cuộc sống của gia đình đã khấm khá hơn nhiều”. 

Trong Hội thảo “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP HCM, thành quả và kinh nghiệm” được tổ chức vào cuối năm 2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố nhấn mạnh, để có được Cần Giờ như hôm nay là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo TP HCM. Song song đó là sự sáng tạo, tự vực dậy phát triển của người dân Cần Giờ. Thời gian tới, Cần Giờ tiếp tục có thêm những cơ hội phát triển, bởi nhiều chính sách, chủ trương trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đã có sự đồng thuận từ Trung ương. Trong khi đó, TP HCM cũng đang tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động lớn và trình độ cao nên đó là điều kiện tốt giúp Cần Giờ từng bước đi lên.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO