Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Bùng phát xe chở quá tải

Biên phòng - Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới phát đi cảnh báo, tình trạng xe chở quá tải, cơ nới thành thùng hàng đang bùng phát trở lại sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Không chỉ các tuyến đường tỉnh, đường địa phương, mà ngay cả nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc, xe chở quá tải vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động.

Trước thực tế tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 70, Quốc lộ 17B, Quốc lộ 1, Quốc lộ 14B... đang bị xe chở quá tải tàn phá, các cơ quan chức năng quan ngại, dù lực lượng Thanh tra giao thông từ trung ương đến địa phương căng sức hoạt động, nhưng tỷ lệ phương tiện vi phạm bị phát hiện vẫn tăng trên 10%. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị quản lý đường cao tốc đã từ chối phục vụ hơn 36.500 xe quá tải.

Theo quy định, các đơn vị quản lý, khai thác cao tốc phải kiểm tra tải trọng xe trên đường cao tốc bằng thiết bị cân chuyên dùng. Kết quả này ngoài việc giúp đơn vị quản lý, khai thác cao tốc từ chối phục vụ với những xe chở quá tải, còn là cơ sở để các lực lượng chức năng phạt nguội.

Tuy vậy, đến thời điểm này, nhiều tuyến cao tốc chưa có hệ thống cân tải trọng như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; các tuyến Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hệ thống cân liên tục hư hỏng chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn xe chở quá tải.

Công tác kiểm soát tải trọng trên nhiều tuyến quốc lộ có đặt trạm thu phí BOT cũng chẳng khá hơn. Từ năm 2015 đến nay, rất nhiều trạm thu phí đã tích hợp cân tải trọng và những trạm cân này đã ghi nhận được số lượng lớn xe quá tải chạy qua. Tuy nhiên, nhiều hệ thống cân bị hư hỏng, không được sửa chữa, cùng với cơ chế phối hợp để xử lý, xử phạt rườm rà nên không còn nhiều giá trị trong việc phát hiện, ngăn ngừa xe chở quá tải.

Các chuyên gia an toàn giao thông cảnh báo, các nhà đầu tư vì muốn thu phí nên chưa thực sự sử dụng hệ thống cân như một công cụ ngăn chặn xe chở quá tải. Chỉ trong tháng 10-2021, qua sử dụng cân lưu động, cân xách tay kiểm tra 3.300 xe, Thanh tra giao thông đường bộ các cấp đã phát hiện 335 xe vi phạm.

Hệ quả của xe chở quá tải không chỉ gây mất an toàn giao thông, an toàn lao động, mà còn khiến mặt đường, các cầu trên tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nhanh. Đường hỏng kéo theo chi phí sửa chữa và kéo dài thời gian thu phí và tiền của người dân.

Rõ ràng, việc xử lý xe chở quá tải chưa hiệu quả là do vẫn chủ yếu dựa vào sức người. Bài học kinh nghiệm từ trạm kiểm tra tải trọng xe tự động lắp đặt tại Quốc lộ 5 cho thấy, chiều từ Hải Phòng về Hà Nội, số xe vi phạm tải trọng giảm 46 lần. Việc sử dụng công nghệ tự động không những giảm áp lực cho các lực lượng thực thi công vụ, mà còn làm tăng tính minh bạch trong việc xử lý, đồng thời tăng tính tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Đáng tiếc là sau 3 tháng thí điểm, đề án nhân rộng hệ thống cân tự động như trên Quốc lộ 5 vẫn dậm chân tại chỗ, những kế hoạch xử lý xe quá tải không có gì thay đổi.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, để ngăn chặn hữu hiệu, xử lý hiệu quả tình trạng xe chở quá tải, Bộ Giao thông vận tải cần có cơ chế ràng buộc đối với các đơn vị quản lý khai thác cao tốc và trạm thu phí BOT phải đảm bảo trạng thái hoạt động tốt của hệ thống cân tải trọng, nếu cân tải trọng không có hoặc không hoạt động, có thể yêu cầu dừng thu phí hoặc không được đưa vào khai thác.

Tình trạng xe chở quá tải vẫn đang là vấn nạn của xã hội. Mọi cố gắng để xây dựng, duy tu sửa chữa cầu đường sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không chấm dứt được tình trạng quá tải. Trong cuộc chiến này, không thể chỉ trông chờ sức người, càng không thể chỉ trông chờ lực lượng chức năng, mà các nhà đầu tư cũng cần coi đó là quyền lợi, là trách nhiệm để tham gia ngăn chặn xe chở quá tải.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO