Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

“Bức tường thép” trên tuyến đầu chống dịch

Biên phòng - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Lào, tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị đã được tăng cường hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an và Dân quân xã trên địa bàn các đồn Biên phòng đóng quân. Biên cương được “gia cố” bởi sự đoàn kết một lòng của 4 lực lượng, với quyết tâm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 qua biên giới.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn (thứ 2 từ phải sang), Chính ủy BĐBP Quảng Trị thăm, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 10, Đồn Biên phòng Hướng Phùng. Ảnh: Trúc Ha

Sau Tết Bun Pi May, tỉnh Savannakhet, Lào liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Điều này có nghĩa, tỉnh Quảng Trị đứng trước nguy lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Bởi vậy mà suốt dọc 16,5km đường biên giới do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo quản lý luôn được “ken dày” bởi 28 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là chốt). Đường biên giới trên sông, cư dân đông đúc và giao thông thuận tiện khiến nơi đây trở thành “trọng điểm” của tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. Từ tháng 1-2021 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 284 vụ/295 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.

Trước tình trạng trên, từ đầu tháng 5-2021, các chốt của BĐBP Quảng Trị đã được tăng cường bởi các lực lượng từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an và Dân quân xã. Những “chiến sĩ sao vuông” là những người có mặt đầu tiên để hỗ trợ BĐBP ở các chốt của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Anh Nguyễn Ngọc Anh là dân quân tự vệ của thị trấn Lao Bảo, mới nhận nhiệm vụ “chi viện” cho chốt số 23. Tuổi vừa tròn 20, Ngọc Anh còn nhiều bỡ ngỡ nhưng rất háo hức “học việc” từ Thiếu tá Lê Anh Tuấn và Trung úy Nguyễn Hữu Trung. Những “bài học” đầu tiên về canh gác, phát hiện và sự cẩn trọng vào “giờ cao điểm” mà các đối tượng vượt biên thường lợi dụng là từ 7 giờ tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau.

Trực 24/24 giờ nên chốt số 23 có 4 người, nhưng chỉ kê 3 chiếc giường để thay phiên nhau ngủ. Vào ca trực, người đi dọc theo bờ sông quan sát, người “đón lõng” trên đường vành đai. Chốt là nhà bạt, đang mùa khô nên chẳng khác gì “lò hơi”, thế nên người không trực vẫn phải ra gốc cây ngồi hóng gió và “tiện thể” quan sát đường biên giới. Mệt mỏi vì thời tiết và thức đêm, nhưng Nguyễn Ngọc Anh vẫn luôn cố gắng bởi: “Những việc em làm có là gì so với sự vất vả của các anh Biên phòng suốt gần 2 năm qua”.

Anh Hồ Văn Bênh, công an viên thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tăng cường cho chốt số 10 của Đồn Biên phòng Hướng Phùng ngay sau khi có chỉ đạo của UBND huyện Hướng Hóa về việc điều động công an viên và dân quân các xã biên giới tham gia cùng BĐBP ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19. Nói chuyện mới biết, anh Bênh có anh trai là Thiếu tá Hồ Văn Bình, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị. Suốt hơn 1 năm qua, anh trai trực chốt trên biên giới, hiếm lắm mới về thăm nhà, nên anh Bênh đã hiểu và xác định khi nhận nhiệm vụ. Cuộc sống ở chốt là tuần tra, tuyên truyền để người dân chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 rồi dành thời gian trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn.

Trung tá Nguyễn Khắc Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Phùng cho biết: “Lực lượng công an viên là người địa phương, sinh sống tại các thôn trong xã nên nắm rất rõ tình hình địa bàn cũng như các đường đi, lối lại trên khu vực biên giới. Bởi vậy, khi chốt được tăng cường lực lượng này, chúng tôi rất yên tâm, bởi các anh sẽ giúp rất nhiều trong việc tuần tra, kiểm soát người qua lại khu vực biên giới cũng như phát hiện có người lạ trong địa bàn”.

Tối nào cũng thế, Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập đi dọc theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh và kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của đơn vị. Xã Hướng Lập tuy nguy cơ người nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam trốn cách ly không cao nhưng nảy sinh ra vấn đề khác. Các bản Lào thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet vốn trước nay có quan hệ thân tộc, cư dân 2 bên biên giới thường xuyên thăm thân. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân Lào thiếu nhu yếu phẩm trầm trọng nên nảy sinh nguy cơ người dân 2 bên biên giới sẽ tìm cách vượt biên trái phép để trao đổi nhu yếu phẩm.

Mới đây nhất, ngày 3-5-2021, Đồn Biên phòng Hướng Lập phát hiện Hồ Văn Quân và Hồ Văn Bung sang bản Tà Rủa, huyện Sê Pôn để trao đổi hàng hóa. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã Hướng Hóa đưa 2 người này đi cách ly. Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thì việc tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các vụ việc nảy sinh là rất quan trọng.

Đại úy Phan Văn Dưỡng (thứ nhất từ phải sang) làm nhiệm vụ tại chốt số 3, Đồn Biên phòng Hướng Lập. Ảnh: Trúc Hà

Đại úy Phan Văn Dưỡng, Trợ lý tổ chức, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị mới được tăng cường lên nhận nhiệm vụ tại chốt số 3 của Đồn Biên phòng Hướng Lập. Trước khi lên biên giới, anh đã nhiều lần đến cửa khẩu Lao Bảo, La Lay để tiếp nhận người nhập cảnh đưa đi cách ly, thế nhưng, chỉ khi trực tiếp làm nhiệm vụ thế này mới thấy hết được những vất vả mà những người lính quân hàm xanh đã và đang trải qua. Và tình quân dân nơi biên giới đã cho anh thêm nhiều bài học quý.

Như câu chuyện nữ Chủ tịch xã Hướng Lập là Hồ Thị Ven biết Đồn Biên phòng Hướng Lập có kế hoạch làm chốt thì nói chắc như đinh đóng cột: “Chính quyền và nhân dân xã sẵn sàng giúp bộ đội làm nhà bất cứ lúc nào”. Hay mọi người trong bản vẫn thường ghé thăm, tặng quà cho bộ đội ở chốt. Chỉ là mớ cá, bó rau, nhưng là nguồn động viên lớn cho những người lính. Chốt số 3 nằm ngay bên cánh đồng Cù Bai nên anh em cũng lên kế hoạch giúp nhân dân thu hoạch ngày mùa trong những ngày tới.

Cũng như nhiều người, Đại úy Phan Văn Dưỡng tin rằng, với sự kiên cường của những người lính Biên phòng, quân sự, công an và dân quân cùng sự hỗ trợ của đồng bào các dân tộc sẽ tạo nên “bức tường thép” ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép kéo theo nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trên biên giới Quảng Trị.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO