Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

Bức tranh văn hóa đa sắc của các dân tộc Tây Bắc

Biên phòng - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Ngày hội VH,TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIV - năm 2019 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”. Ngày hội đã tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

hk38_9a
Các cô gái dân tộc Hà Nhì rộn ràng với các điệu múa truyền thống tại ngày hội. Ảnh: Nguyên Thanh

Sắc màu Tây Bắc

Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước - là vùng phên giậu của Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ và hùng vĩ, là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua trang phục, lễ hội, các làn điệu dân ca dân vũ, văn hóa ẩm thực... góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. 

Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIV - năm 2019 do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức diễn ra từ ngày 18 đến 20-8, tại thành phố Sơn La với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc đến từ 7 tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Sơn La. 

Ngày hội gồm nhiều hoạt động phong phú như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về văn hóa - du lịch với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”; triển lãm cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; ẩm thực truyền thống địa phương, trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng... Đặc biệt, các gian trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương gồm những món ăn đặc sản các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông... đã thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch. Ngoài ra, còn có Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc vùng Tây Bắc; trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu, chạy việt dã...

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTT&DL, Phó ban Tổ chức chia sẻ: “Đến với các hoạt động của ngày hội, chúng ta thấy được bức tranh phong phú mang đậm sắc thái riêng của mỗi tỉnh, mỗi dân tộc vùng Tây Bắc trong truyền thống và trong quá trình hội nhập, phát triển bền vững thông qua các hình ảnh nghệ thuật được trưng bày, các sản vật, món ăn đặc sắc, truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc”. 

Có thể nói, thông qua các điệu múa, tái hiện các lễ hội dân gian, sự hòa tấu từ những âm thanh huyền diệu của tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tính và những lời Then say đắm lòng người; thông qua không gian trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức trong lễ hội, các trò chơi dân gian được chính các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên là chủ thể văn hóa thể hiện, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một Tây Bắc chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, với cộng đồng các dân tộc có truyền thống hào hùng, yêu nước và mến khách.

Cơ hội quảng bá tiềm năng văn hóa và du lịch

Với mục tiêu giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày hội là cơ hội để các dân tộc Tây Bắc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá tiềm năng về văn hóa, du lịch. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: “Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc đã thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc; là nơi để đồng bào các dân tộc Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, ngày hội cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”.

Vùng Tây Bắc là cái nôi văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Thái, Mường, Khơ Mú... Người dân nơi đây là chủ thể sáng tạo, lưu giữ, thực hành và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ. Phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực... của đồng bào Tây Bắc đến nay vẫn được bảo tồn, gìn giữ, thu hút du khách đến cảm nhận và khám phá. Nhiều danh thắng Tây Bắc như: Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La)... đã cuốn hút du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm.

Mảnh đất Tây Bắc cũng là vùng đất gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, trong đó, các điểm đến như: Điện Biên Phủ, Nghĩa Lộ, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La... được nhiều du khách biết đến. Gần đây, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” đã chính thức ra mắt khán giả trên đỉnh Phan Xi Păng (Sa Pa, Lào Cai) đều lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Tây Bắc, tổng hợp và hòa quyện của các điệu múa quen thuộc cùng với những sáng tạo mới nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Phan Xi Păng, Sa Pa... 

Thông qua Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIV - năm 2019, du khách gần xa có dịp được biết đến những danh thắng cũng như bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc Tây Bắc. Đó sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO