Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Bữa cơm tất niên của học trò bán trú vùng cao

Biên phòng - Những ngày cuối năm, nhiều trường học bán trú trên địa bàn vùng cao của tỉnh Nghệ An đã tổ chức bữa cơm tất niên chia tay học trò về các bản làng đón Tết cùng gia đình. Bữa cơm cũng có bánh chưng và những món ăn được chế biến từ thực phẩm do giáo viên và học sinh “tăng gia sản xuất”. Trong bữa cơm ấm áp cuối năm, các thầy, cô giáo và học trò lại chia sẻ quyết tâm dạy và học tốt hơn trong năm mới.

qmjk_14
Các thầy cô giáo và các em học sinh Trường PTDTBT Trung học cơ sở Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An gói bán chưng chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Ảnh: CTV

Những ngày cuối năm, trung tâm xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An rộn ràng, tấp nập hơn thường lệ. Nhân dân ở các bản làng vùng cao đổ về khu chợ ở trung tâm xã bán nông sản, mua sắm hàng hóa, chuẩn bị đón Tết. Trong khi đó, các trường học trên địa bàn xã biên giới này cũng chuẩn bị cho học sinh nghỉ học theo kế hoạch để đón Tết cổ truyền cùng gia đình. Ngày học cuối cùng của năm cũ ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở Tri Lễ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong rộn ràng hơn hẳn. Hôm nay, các thầy, cô giáo và học trò thay vì lên lớp học, họ chung tay chuẩn bị bữa cơm tất niên. 

Từ sáng sớm, ở khu bếp ăn bán trú của nhà trường đã rất nhộn nhịp. Trong khi các thầy giáo cùng một số phụ huynh khẩn trương mổ lợn thì các cô giáo và học trò nữ chuẩn bị lá dong gói bánh chưng. Gần đó, một nhóm học trò nhặt rau để chế biến các món ăn, còn một nhóm học sinh lớp 6 chuẩn bị củi nhóm bếp lửa... Hỏi thầy Hồ Đức Toàn, giáo viên phụ trách công tác bán trú của nhà trường mới biết, toàn bộ thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm tất niên đều do công sức của thầy và trò làm ra. Trường PTDTBT Trung học cơ sở Tri Lễ có 760 học sinh, trong đó có 320 em thuộc diện được hưởng chế độ bán trú. Tất cả học sinh bán trú đều được ăn, ở tại trường dưới sự quản lý của giáo viên, chỉ những ngày nghỉ lễ, Tết, các em mới được phép về thăm gia đình. Cùng với công tác giảng dạy, việc duy trì chế độ, chăm lo cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày cho số học sinh bán trú cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với giáo viên nhà trường.

Ngoài những giờ lên lớp, thầy, cô giáo nhà trường còn duy trì các em học sinh bán trú sinh hoạt văn hóa, kỹ năng lao động sản xuất. Thầy Hồ Đức Toàn chia sẻ: “Dù khuôn viên còn chật hẹp, nhưng chúng tôi vẫn dành diện tích để làm vườn rau. Đây là địa điểm để chỉ dẫn các em kỹ năng lao động sau giờ lên lớp, đồng thời mang lại sản phẩm góp phần cải thiện bữa ăn cho các em. Vườn rau của nhà trường đủ cung cấp rau quanh năm cho học sinh”. Nói rồi, thầy Toàn giải thích thêm, do diện tích chật hẹp, nên không thể làm chuồng lợn, hằng năm, nhà trường đều mua lợn giống gửi nhờ các hộ dân xung quanh nuôi giúp. Thức ăn thừa trong bữa ăn hằng ngày của học trò được thầy, cô giáo thay nhau gom lại mang đến các hộ dân để nuôi lợn. Sản phẩm tăng gia sản xuất được sử dụng tổ chức những bữa ăn cho chính học sinh vào những dịp lễ, Tết và gây quỹ để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Mải mê nói chuyện với thầy Toàn, đến khi nhìn lại thì công việc chuẩn bị cho bữa cơm tất niên của giáo viên, học sinh trong trường đã gần tươm tất. Những nồi bánh chưng đã được cho lên bếp lửa đang cháy đượm, thịt lợn được đưa vào khu bếp để chế biến. Các em học sinh bắt đầu kê bàn ghế ra sân chuẩn bị cho bữa tiệc đầm ấm. Trong không khí vui vẻ, Lỳ Bá Dê, học sinh lớp 9A tâm sự: “Năm nào nhà trường cũng tổ chức cho chúng cháu được đón Tết sớm, thích lắm! Về bản đón Tết với gia đình xong, chúng cháu sẽ trở lại trường để tiếp tục học tập. Cháu muốn học lên nữa!”. Được biết, gia đình Lỳ Bá Dê ở bản Nậm Tột cách trung tâm xã Tri Lễ hơn 20km đường rừng núi, nơi có 100% gia đình đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cậu học trò Lỳ Bá Dê có em gái là Lỳ Y Sáu đang học sinh lớp 6 của ngôi trường này. 

Cũng thời gian này, bữa cơm tất niên của thầy, trò Trường PTDTBT Trung học cơ sở Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn đang diễn ra rất ấm cúng. Trên mâm cơm có đầy đủ bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rau xanh... Mỗi mâm cơm đều có một thầy hoặc cô giáo ngồi cùng học trò. Giáo viên thường xuyên gắp thức ăn vào bát cho học sinh cùng lời nhắn nhủ: “Ăn Tết xong, nhớ đi học, các em nhé!”. Ngôi trường nằm bên cạnh quốc lộ 7A với 424 học sinh con em đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh thuộc 2 xã Hữu Kiệm và Hữu Lập theo học, trong đó có 240 em thuộc diện bán trú. 

2 xã vùng cao Hữu Lập và Hữu Kiệm có tỷ lệ người nghiện ma túy cao, không ít học sinh cả bố và mẹ đều nghiện ma túy nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập. “Ngoài chính sách chung của Nhà nước, nhà trường thực hiện đồng bộ các biện pháp để giữ học sinh. Trong đó, tạo điều kiện tốt nhất cho các em ăn, ở, học tập tại trường, đặc biệt, thường xuyên quan tâm đến những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để làm được điều này, nhà trường phải đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất để vừa nâng cao chất lượng bữa ăn và gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo” – Thầy Hoàng Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Trung học cơ sở Hữu Kiệm cho biết. Theo thầy Thưởng, do khuôn viên chật hẹp nên Ban Giám hiệu Trường PTDTBT Trung học cơ sở Hữu Kiệm đã thống nhất thuê 4.500 mét vuông đất của những hộ dân gần đó để làm khu tăng gia sản xuất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ hai ngôi trường nói trên mà gần như tất cả các trường học bán trú trên địa bàn vùng cao của tỉnh Nghệ An đều tổ chức bữa cơm tất niên cho học trò của mình. Bữa cơm ấm cúng cuối năm để thắt chặt tình cảm thầy trò, cũng là sự động viên để học sinh tự giác trở lại trường sau kỳ nghỉ dài.

Viết Lam

Bình luận

ZALO