Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Bù Gia Mập ngày mới

Biên phòng - Là xã biên giới, đặc biệt khó khăn, có trên 73% dân số là người dân tộc thiểu số, những năm gần đây, Bù Gia Mập đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

qsev_13a
Người dân ở Bù Gia Mập làm giàu nhờ trồng các loại cây công nghiệp. Ảnh: Đăng Bảy

Nông thôn được thay “áo mới”

Bù Gia Mập là xã biên giới xa xôi nhất của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. BĐBP Bình Phước đang chuẩn bị xây thêm một đồn Biên phòng, nằm trên đoạn biên giới chạy qua địa bàn xã Bù Gia Mập. Như vậy, với 30km đường biên giới, Bù Gia Mập là xã điển hình nhất trong cả nước khi có tới 4 đồn Biên phòng đứng chân. Điều đó cũng dễ hiểu vì xã Bù Gia Mập nói riêng và 8 xã trong huyện Bù Gia Mập nói chung có vị trí chiến lược rất quan trọng. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Bù Gia Mập là căn cứ địa, nơi tập kết lực lượng, là bàn đạp cho các cuộc tiến công của ta đánh vào sào huyệt của địch...

Theo thống kê gần đây nhất, Bù Gia Mập hiện có trên 1.600 hộ/7.200 dân sinh sống, trong đó, người dân tộc S’Tiêng và M’Nông chiếm 73%, còn lại là người Kinh và 14 dân tộc khác. Trước kia, cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, nhà cửa tạm bợ, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa. Một số thôn ở cách trung tâm xã 15-20km, nhưng phải đi 1-2 giờ mới tới. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã biên giới này đã dần thay da đổi thịt, khoác lên mình “tấm áo mới” đẹp đẽ, no đủ hơn. Đường giao thông nông thôn về các thôn, bon cơ bản đã được cứng hóa. Các công trình phúc lợi xã hội, trường tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng khang trang, kiên cố. Trạm y tế của xã đã đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Những ngày đầu Xuân mới 2019, đi đến đâu cũng thấy cảnh bà con hăng hái thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Thiếu tá Cao Sỹ Sơn, có thâm niên 10 năm ở Đồn Biên phòng Bù Gia Mập nói, chỉ cách nhau 22km, nhưng trước kia, từ đồn Biên phòng ra UBND xã phải đi cả buổi mới tới. Gặp hôm trời mưa có khi còn phải ngủ lại, hôm sau chờ đường ráo mới về được. Năm 2014, con đường này đã được trải nhựa, xe ô tô chạy vù vù, chỉ mất 30 phút đã tới UBND.

Được sự quan tâm của trên và nỗ lực của địa phương, những năm gần đây, việc xây dựng cơ bản, nhất là đường giao thông nông thôn và hệ thống giáo dục ở xã Bù Gia Mập luôn được quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2018, kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản đã gần 9 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Hà Văn Toản nói, có được kết quả phấn khởi đó là nhờ ý thức, sự góp công, góp sức rất lớn của người dân, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Toản, tuy vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng khi làm đường giao thông nông thôn, kéo điện lưới, bà con dân tộc S’Tiêng và M’Nông các thôn, bon Bù Dốt, Bù Rên, Đắk Á, Bù Lư đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng. Có điện, có đường, bộ mặt nông thôn của xã biên giới đặc biệt khó khăn này đã thực sự khởi sắc. Khu vực trung tâm xã đã xuất hiện nhà cao tầng, có quán cà phê nhạc, quán internet... Các doanh nghiệp tư nhân hình thành mới ngày càng nhiều.

Làm giàu bằng thế mạnh sẵn có

Anh Phạm Sỹ Hoàn, tân Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, không phải là dân địa phương mà là người Thanh Chương, Nghệ An. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, anh nói, ở Bình Phước không có tư tưởng cục bộ địa phương, không phân biệt người Kinh hay dân tộc ít người. Ai có khả năng làm được việc, làm cho địa phương phát triển, người dân no ấm đều được trọng dụng. Chủ tịch xã 2 khóa liền trước anh là Thượng tá Phạm Thành, quê Quảng Bình. Là sĩ quan Biên phòng biệt phái làm Chủ tịch xã theo đề án cán bộ tăng cường xã, suốt 10 năm bám nắm cơ sở, trăn trở với sự vất vả của người dân, Phạm Thành đã cùng các đồng sự đưa Bù Gia Mập từng bước thoát nghèo.

urbf_13b
Đường giao thông nông thôn ở Bù Gia Mập đã được cứng hóa về tận thôn, bon. Ảnh: Đăng Bảy

Thượng tá Phạm Thành nghỉ hưu tháng 10-2018. Trọng trách đưa xã biên giới này vươn lên được giao lại cho nguyên Phó Chủ tịch Phạm Sỹ Hoàn. Đã từng nhiều năm lăn lộn với mảnh đất nhiều gian khó này, đã từng xuống tận các nhà dân ở các thôn, bon xa xôi cầm tay chỉ việc, từng đi vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, góp tiền, quà cho các gia đình nghèo mùa giáp hạt, nên Phạm Sỹ Hoàn rất vui khi nói với chúng tôi về sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, năm 2018, tuy thời tiết thất thường, sâu bệnh nhiều, nhưng kinh tế xã Bù Gia Mập vẫn có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm xã hội toàn xã ước đạt 14,533 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/năm, số hộ nghèo ngày càng giảm. Đây là kết quả tăng trưởng cao nhất của xã đặc biệt khó khăn này trong những năm gần đây...

Bù Gia Mập bây giờ đã có nhiều hộ làm ăn sản xuất giỏi, có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình các ông Phạm Đại Số, Đậu Đình Thảo... mỗi hộ có trên dưới ha trồng điều, tiêu, cà phê. Trong chuyến đi này, chúng tôi đã ghé thăm gia đình ông Điểu Vi Rút, ở thôn Bù Dốt. Do không hẹn trước nên lúc chúng tôi tới nhà thì ông đang ở trên rẫy. Nhưng chỉ khoảng 20 phút sau cú điện thoại, ông đã tất tả có mặt.

Bù Gia Mập hiện có hơn 2.223 ha trồng điều; 335 ha diện tích hồ tiêu; 123ha trồng cà phê và 356 ha trồng cao su; 370 ha trồng cây hàng năm. Tổng số gia súc, gia cầm trên 13.600 con, trong đó có gần 550 con trâu, bò; 750 con heo... Ngoài ra, 79 hộ dân ở xã Bù Gia Mập còn nhận bảo vệ 7.970 ha rừng.

Cùng đi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã nói, công nghệ thông tin đã được người dân ở đây áp dụng trong sản xuất, sinh hoạt. Sự biến động giá cả các mặt hàng như điều, tiêu, cà phê, cao su, phân bón... được người dân cập nhật hàng giờ.

Chính vì vậy, tránh được cảnh bị thương lái ép giá... Trong căn nhà xây to, rộng, bề thế có rất nhiều bao tải đựng cà phê và hạt điều chồng lên nhau, ông Vi Rút nói với chúng tôi, đang vụ mùa, bị thương lái ép giá nên ông chưa bán. Là “nhà có điều kiện”, nên ông cứ găm lại đó, khi nào lên giá mới tính. Ông Vi Rút cho biết, gia đình ông có 8ha điều; 1,5ha cà phê và 1,5ha trồng tiêu. Năm nào được mùa, được giá, thu nhập trên gần 500 triệu đồng. Với người nông dân, như thế còn hơn cả giấc mơ.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang đến cho Bù Gia Mập luồng sinh khí mới. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng là minh chứng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng biên giới, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO