Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

BRICS củng cố niềm tin cho thế giới đa cực

Biên phòng - Tăng cường sức mạnh đa phương, đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi sau Covid-19; lên án chủ nghĩa khủng bố, ổn định các “điểm nóng” xung đột; thích ứng với những thách thức về môi trường để đạt được sự phát triển bền vững là những cam kết mạnh mẽ của 5 quốc gia thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 13 tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BRICS 2021

Bước qua cột mốc 15 năm hình thành và phát triển của BRICS, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 13 được tổ chức mới đây theo hình thức trực tuyến đã nhấn mạnh ý nghĩa của chủ đề “Hợp tác nội khối vì sự liên tục, gắn kết và đồng thuận”. Tuyên bố New Delhi của hội nghị nhấn mạnh, sự ủng hộ của các nước BRICS đối với chủ nghĩa đa phương, đồng thời cam kết thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại.

Chủ trì hội nghị, Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, BRICS đã đạt được nhiều thành tựu trong 15 năm qua và đạt được tầm ảnh hưởng lớn đối với các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Nền tảng này cũng rất hữu ích để tập trung cho những ưu tiên của các nước đang phát triển.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá, trong 15 năm, các nước BRICS đã phát triển thành một lực lượng quan trọng trên trường quốc tế. Song, hàng loạt thách thức hiện nay khiến con đường phục hồi toàn cầu vẫn “gập ghềnh”. Tại thời điểm quan trọng này, việc làm sâu sắc hơn quan hệ đa phương sẽ đóng vai trò tích cực trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu.

Nhìn về tương lai, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, cần duy trì và thúc đẩy hợp tác tôn trọng lẫn nhau, mang tính xây dựng và hiệu quả, cũng như củng cố trật tự thế giới đa cực. Chủ đề mà Ấn Độ đưa ra cho hội nghị thượng đỉnh này chính là mục tiêu mà toàn bộ cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, trong đó, năm quốc gia thành viên BRICS đóng vai trò quan trọng.

Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, hơn 1 năm qua ứng phó với đại dịch Covid-19 cho thấy, chủ nghĩa đa phương là “chìa khóa” mở ra tương lai bền vững cho toàn cầu. Vì vậy, BRICS cần mạnh mẽ hơn nữa để củng cố sức mạnh đa phương, góp sức cải cách hệ thống đa phương của thế giới.

Để đạt được mục tiêu bền vững, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đặc biệt nhấn mạnh tới cam kết phát triển trên 3 khía cạnh gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Bởi, không có sự tăng trưởng kinh tế hay tiến bộ xã hội nào có thể duy trì nếu không bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong lành. BRICS có vai trò rất quan trọng để tăng cường thể chế đa phương về biến đổi khí hậu.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, BRICS chiếm khoảng 41% dân số, 24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 16% thương mại toàn cầu. Vì vậy, BRICS thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các thách thức của nhân loại mà trước mắt là chống lại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong đó, chủ nghĩa đa phương mà 5 quốc gia BRICS theo đuổi là tín hiệu đáng mừng, củng cố niềm tin chung của thế giới về tương lai tươi sáng.

Giáo sư BR Deepak của Đại học Jawaharla Nehru Ấn Độ nhìn nhận, dù đối diện với nhiều thách thức từ trong lẫn ngoài, BRICS vẫn đạt được sự tăng trưởng đáng kể và trở thành một tổ chức đa phương đóng góp to lớn vào tăng trưởng toàn cầu. Hàng loạt giải pháp mà các nước BRICS phối hợp thực hiện thời gian qua đã minh chứng cho việc hội tụ sức mạnh tập thể, nổi bật như: Tập hợp chuyên gia các nước để nghiên cứu và phát triển vaccine; Bộ Y tế các nước hợp tác hành động ứng phó với đại dịch Covid-19; Liên đoàn Đại học BRICS và Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (NDB) thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và công nghiệp ở các nước đang phát triển;...

Giáo sư BR Deepak khẳng định, những kết quả hợp tác đa phương của BRICS góp phần củng cố các thể chế quản trị toàn cầu. Đồng thời tin tưởng rằng, để tăng cường sức mạnh đa phương, BRICS sẽ mở rộng phạm vi lớn và nhiều cấp độ hơn trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, xã hội; chống khủng bố; thúc đẩy thương mại, đầu tư; chống biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO