Biên phòng - Những ngày cuối tháng 5, kỳ họp thường niên Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 74 của 194 nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra nhiều con số đáng báo động cùng nhiều giải pháp với kỳ vọng xua tan “bóng tối” Covid-19.

Hơn 115.000 nhân viên y tế toàn cầu đã thiệt mạng vì dịch Covid-19 là một trong những con số làm rúng động cộng đồng quốc tế vừa được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố. Trong 18 tháng qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành khắp thế giới, sự hy sinh của các nhân viên y tế đã cứu vô số mạng sống của người dân toàn cầu. Ông Tedros bày tỏ sự thương xót và ca ngợi sự hy sinh của các nhân viên y tế khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết để dũng cảm chiến đấu, bảo vệ người dân. Điều đáng buồn nhất là rất nhiều nhân viên y tế đối diện với dịch bệnh nhưng không thể tiếp cận thiết bị bảo hộ và vắc xin ngừa Covid-19.
Cảnh báo về thực trạng dịch Covid-19, Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh: “Thế giới vẫn đang trong tình trạng rất nguy hiểm... Không có bất kỳ quốc gia nào ở ngoài vòng nguy hiểm”. Thậm chí, dự báo từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 6, số người chết vì dịch Covid-19 sẽ vượt tổng số của năm 2020. Đây là điều rất bi thảm.
WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu Covid-19 là tình trạng khẩn cấp vào ngày 11-3-2020. Kể từ đó đến nay, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp 40 lần lên 162 triệu ca nhiễm, gồm hơn 3,3 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, WHO đánh giá, số người chết có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần so với báo cáo chính thức, ước tính có khoảng 8 triệu người đã tử vong do Covid-19.
Giới chuyên gia y tế quốc tế nhìn nhận, một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay là bản chất liên tục thay đổi của virus tạo nên các biến thể mới, có thể làm giảm hiệu quả các loại vắc xin hiện hành. Ủng hộ quan điểm chung của Liên hợp quốc, giới chuyên gia y tế khẳng định, “chìa khóa” duy nhất để đánh tan đại dịch là phải dập tắt dịch ở mọi quốc gia. Song, thực tế đang hiện hữu những biểu hiện tiêu cực khiến cho nỗ lực này chưa thể giải quyết được ngay.
Tổng giám đốc WHO Tedros chỉ rõ, một cuộc khủng hoảng vắc xin đang diễn ra với sự bất bình đẳng giữa các quốc gia. Hơn 75% các loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng chỉ ở 10 quốc gia. Số lượng vắc xin được sử dụng trên toàn cầu cho đến nay đủ để cung cấp cho tất cả các nhân viên y tế và người lớn tuổi nếu chúng được phân phối công bằng. Ông Tedros kêu gọi những quốc gia có dự trữ vắc xin lớn chia sẻ và hợp tác nhiều hơn để phân phối vắc xin, cũng như phải có cơ chế để mở rộng quy mô sản xuất.
Nhiều học giả quốc tế chỉ ra rằng, các nước giàu có tích trữ lượng lớn vắc xin hiện đang đạt những bước tiến lớn trong việc tiêm chủng diện rộng và dần trở lại nhịp sống bình thường, điều này đang trái ngược ở các nước nghèo hơn. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin chưa có dấu hiệu thuyên giảm và sẽ là lực cản lớn nhất đối với nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19.
Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) hiện đã cung cấp 72 triệu liều vắc xin cho 125 quốc gia kể từ tháng 2-2021 nhưng chỉ đủ cho 1% dân số của những nước này. Mục tiêu của WHO là đến tháng 9 tới, COVAX có thể tiêm chủng cho 10% dân số của tất cả các quốc gia và đạt mức 30% vào cuối năm nay.
Nổi bật trong kỳ họp được đánh giá là quan trọng nhất trong các nỗ lực y tế quốc tế xuyên suốt hơn 1 năm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi cải thiện nguồn tài trợ cho COVAX và ủng hộ ý tưởng về một hiệp ước quốc tế mới nhằm ngăn chặn đại dịch.
Trước thực trạng dịch Covid-19 và nhận thức chung của các quốc gia về dịch bệnh, giới chuyên gia kỳ vọng, hiệp ước này sẽ tạo dựng những trụ cột trọng yếu có ràng buộc pháp lý để đạt cấu trúc y tế quốc tế thực chất, từ đó xóa bỏ những rào cản và nâng tầm sức mạnh ngăn chặn dịch bệnh.
Thanh Trúc