Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Bông ô môi trên đường tuần tra

Biên phòng - Trái hẳn với tiết trời dịu mát, trong lành, thi thoảng nhẹ vương từng làn mưa bụi mỏng manh, ẩm ướt khiến cho cây cỏ đâm chồi, vạn vật sinh sôi, nảy nở của mùa Xuân phương Bắc, những ngày tháng Ba, nơi miền biên cương Tây Nam Bộ xa xôi đang là giữa cao điểm mùa khô. Đã lâu lắm rồi, hạt mưa đi vắng. Cây cỏ lụi tàn. Ruộng đồng nứt nẻ. Dưới làn mây trắng muốt, lững thững trôi trên nền trời xanh ngắt, mặt đất phủ trùm một màu héo úa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang cùng với dân quân địa phương tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới Ảnh: Internet

Dòng sông Cái Cỏ mới ngày nào còn căng đầy, hiền hòa trong mát, giờ nằm co quắp, khô cằn. Dải đất hai bên bờ chẳng còn giấu nổi mình, mỗi lúc càng nhô cao lên bỏ lại dòng chảy sâu hoáy, kiệt cùng.

Trên đường tuần tra, những điểm chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 của bộ đội đứng hiên ngang, gần như trơ trọi giữa đồng không mông quạnh. Hàng cây bằng lăng mới được trồng từ ngày dựng chốt, nay đã rắn rỏi, cứng cáp. Chúng như những chàng lực sĩ tí hon đang gồng mình vươn lên, che chắn thứ ánh nắng chói chang, bỏng rát. Phần mặt tiền hai bên, thảm hoa mười giờ, hoa sam được chăm sóc kỹ lưỡng, lá xanh bóng như bôi mỡ. Những bông hoa nhỏ bé xinh xinh nhưng kiêu hãnh tím bừng lên trong bụi đỏ. Bên hông nhà và phía sau điểm chốt, bộ đội tiết kiệm từng giọt nước hiếm hoi, vun xới cho những khóm rau cải, rau mùng tơi xanh non mơn mởn.

Trong điều kiện dã chiến nên chốt được dựng bán kiên cố bằng những tấm tôn xanh màu cỏ úa. Ban ngày, dưới cái nắng như thiêu như đốt, những căn nhà ấy được ví như những lò nung khổng lồ. Ở trong đó, ngoài làm nơi bảo quản vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng, bộ đội ta chủ yếu chỉ dành để sinh hoạt, hội họp và những bữa cơm nuốt vội. Thời gian còn lại, anh em trải quân dọc theo đường tuần tra biên giới.

Quân số của chốt tương đương một tiểu đội, nhưng chỉ đặt hai chiếc giường sắt dành cho bộ phận thường trực. Những chiếc võng dù di động gắn liền với cuộc đời bộ đội từ thời chiến tranh. Nhiều năm qua, hầu như chỉ phục vụ cho huấn luyện, dã ngoại, nay trở nên hữu dụng vô cùng. Tranh thủ những gốc cây, tán lá rậm rạp, những địa hình thuận lợi quan sát, bộ đội bố trí thành những đội hình canh gác, mật phục, vừa đảm bảo yếu tố bí mật, vừa tiện dụng, an toàn.

Có lẽ, chẳng ai ngờ cuộc chiến này lại kéo dài đến thế. Hơn hai năm rồi, hình ảnh những điểm chốt tiền tiêu, những người lính lặng thầm hi sinh giữa thời bình đã chẳng còn xa lạ nữa. Câu khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” càng trở nên thấm thía hơn bao giờ hết. Có lần, một vị lãnh đạo cấp cao phát biểu trước Quốc hội: BĐBP coi “đồn là nhà”, nhưng trong đại dịch này, anh em ngày đêm dãi nắng, dầm sương trên biên giới chứ có được ở “nhà” đâu. Nhiều đồng chí tứ thân phụ mẫu ra đi mà chẳng kịp trở về lo cho tròn đạo hiếu. Bàn thờ bái vọng được dựng lên, anh em đồng đội quây quần, thành kính phân ưu.

Tập thể Chốt phòng chống dịch số 5, Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP Long An có hơn 10 anh em, nhưng là quân số của 5 đơn vị phối thuộc lại: BĐBP Long An chủ trì, BĐBP Bến Tre, BĐBP Trà Vinh, Đại đội bộ binh huyện Tân Hưng và Dân quân xã Hưng Điền. Tuy mỗi người ở một nơi khác nhau, một tính cách khác nhau, nhưng đã là người lính nơi gian khổ hi sinh, cùng ăn chung nhau một bát cơm, chén nước, cùng sát cánh bên nhau thực hiện một nhiệm vụ, nghĩa tình đồng đội mỗi ngày thêm gắn bó.

Trung úy Nguyễn Minh Tuấn, quê ở huyện Mỏ Cày Nam luôn tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trên quê hương Đồng Khởi. Trước khi đi tăng cường, Tuấn làm cán bộ vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Cửa Đại, BĐBP Bến Tre. Từ ngày lên chốt, ngoài công tác theo chuyên môn, Tuấn còn đảm nhiệm vị trí cắm lán tại điểm tiếp giáp giữa hai tỉnh Long An và Đồng Tháp. Địa bàn này không chỉ phức tạp vì là điểm giáp ranh dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động, mà còn bởi sự chồng chéo khi dân ở địa bàn này lại sang sinh sống và làm ăn ở địa bàn khác. Hàng ngày, Tuấn kiên trì đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền, vận động bà con không qua lại biên giới trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng đưa rước người xuất, nhập cảnh trái pháp luật. Đêm đêm, Tuấn lại cùng anh em tuần tra, mật phục. Công việc cứ cuốn đi hết ngày này sang ngày khác, mới đó mà đã gần nửa năm xa đơn vị. Nhưng có đi xa như thế này mới thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu da diết. Người yêu Tuấn là cô giáo ở gần đồn, hai đứa hẹn nhau khi Tuấn hoàn thành nhiệm vụ trong đợt công tác này sẽ tính chuyện trăm năm.

Chạy dọc theo hơn 133km đường biên giới tiếp giáp giữa Long An với hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia, địa hình tương đối bằng phẳng. Phần lớn trong số đó đã phân giới, cắm mốc xong, đường biên giới chỉ đơn thuần chạy ngang qua đồng ruộng, một số đoạn chạy trên sông nhưng cũng là sông nhỏ hẹp. Bởi vậy, ngoài đội hình tuần tra đi bộ truyền thống, thời gian này, anh em vận dụng cả đội hình tuần tra bằng xe đạp. Những chiếc xe đạp nhỏ gọn, chắc chắn được các đơn vị “tuyến sau đỡ đầu tuyến trước” tặng cho bộ đội từ ngày đầu chống dịch phát huy rất nhiều tác dụng. Anh em chiến sĩ cơ động tới lui bằng xe đạp, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tuần tra Biên phòng, vừa luyện tập thể dục, thể thao mà vẫn chấp hành nghiêm điều lệnh. Bởi vì chiến sĩ không được điều khiển xe gắn máy.

Đi xe đạp cũng tạo cho anh em một niềm thích thú khi vừa đi, có thể vừa huýt sáo, vừa chậm rãi ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên miền biên ải. Trong cảnh sắc khô cằn, héo úa của những ngày giữa cao điểm mùa khô này, dọc đường tuần tra biên giới bỗng xuất hiện những cây ô môi mà bông của nó hồng tươi, rực rỡ cả một góc trời.

Nụ bông ô môi chúm chím dịu dàng như nụ đào phương Bắc. Đến mùa, nụ ra đều, chạy dọc khắp nhành cây, thân cây. Nhiều nhành cây nhỏ, nụ nặng oằn khiến nhành cây thả mình buông thõng dọc thân cây, đung đưa trong nắng gió như những chuỗi hồng ngọc lung linh, đẹp đến nao lòng. Khi nở, bông ô môi không xòe căng viên mãn như hoa đào, hoa mai. Từng cánh ô môi cong cong, nghiêng nghiêng, hồng hồng, ôm khép hờ xung quanh nhụy, tạo thành một chùm hoa dịu dàng, e ấp.

Từ rằm tháng Giêng trở đi, bông ô môi bắt đầu khẽ nở. Đầu tiên là những nụ phía trong đầu cuống. Rồi chùm bông nở dần đến những nụ hoa phía ngoài. Cho đến khi cả nhành bông nở rộ, những cánh hoa nở đầu tiên vẫn còn vẹn nguyên sắc thắm. Những cánh hoa bám rất chặt vào cuống hoa, mặc kệ những trận gió đung đưa, những khắc nghiệt của thiên nhiên, thỏa sức. Từng bông, từng bông quấn quít vào nhau thành từng chùm, từng nhành, từng nhành lại đan cài vào nhau, tạo thành những khối hoa rực rỡ, vững vàng. Cứ như thế, toàn bộ cây ô môi phủ trùm một màu bông rực rỡ.

Người chiến sĩ dừng chân dưới gốc ô môi. Anh mở căng toàn bộ các giác quan để vẻ đẹp của loài hoa lan tỏa khắp từng tế bào, mạch máu. Bất chợt, anh cảm nhận được niềm vui sướng dâng tràn trong tâm trí. Mọi khó khăn, mệt nhọc dường như đã tan biến. Đổi vào đó là một cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Vâng! Hạnh phúc của người lính giữa thời bình đôi khi chỉ giản dị và đơn sơ như thế.

Tản văn: Nguyễn Hội

Bình luận

ZALO