Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021)

“Bông hoa” biệt động thành Sài Gòn

Biên phòng - Buổi sáng 30-4-1975, trong 5 cánh quân tiến vào nội đô Sài Gòn có một nữ chiến sĩ biệt động thành xinh xắn, đầu đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK, ngồi trên xe tăng dẫn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, Quân giải phóng miền Nam tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Cô gái biệt động thành thông minh, gan dạ ấy chính là chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Trung Kiên...

Bức ảnh của nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp nữ biệt động thành Nguyễn Thị Trung Kiên dẫn đường cho các chiến sĩ tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: tư liệu

Nguyễn Thị Trung Kiên tên thật là Cao Thị Nhíp, quê ở tỉnh Tiền Giang. Khi còn nhỏ tuổi, Nguyễn Thị Trung Kiên đã tham gia hoạt động cách mạng, nhờ gan dạ, dũng cảm, cô được chỉ huy đơn vị biệt động thành Sài Gòn tuyển dụng.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 nhớ lại: “Sáng 30-4-1975, trong lúc ngồi ở đường Lê Văn Duyệt chờ pháo binh của ta tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thị Trung Kiên kể với anh em Đại đội 2 chúng tôi: Trước đây em làm nghề buôn bán, hằng ngày, em lên tận Bình Phước, Tây Ninh mua hàng rồi đem về Sài Gòn bán. Về sau, em tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho một gia đình sĩ quan ở Sài Gòn”.

Trước đó, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổ công tác biệt động thành Sài Gòn của Nguyễn Thị Trung Kiên làm nhiệm vụ dẫn đường đưa Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Để đưa được đội hình ô tô, xe tăng, xe kéo pháo của Trung đoàn 24 từ Dầu Tiếng - Tây Ninh về Củ Chi là một việc không hề đơn giản, vì toàn bộ đường đi đều là ruộng lúa khô, vấn đề cơ động của Sư đoàn 10 gặp nhiều khó khăn.

Cả đêm 25 và ngày 26-4, bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Thị Trung Kiên cùng một nữ biệt động thành đã dẫn nhóm trinh sát, công binh của Trung đoàn 24 đi tắt qua các cánh đồng từ Dầu Tiếng về Củ Chi để trinh sát và cắm cọc tiêu đánh dấu đường cho quân ta tiến vào. Có thể nói, đây là quyết định rất mạo hiểm vì phải vượt qua nhiều đồn bốt địch và sự săn lùng của máy bay trinh sát, trực thăng, nhưng nữ biệt đông Nguyễn Thị Trung Kiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 29-4-1975, tổ biệt động thành của Nguyễn Thị Trung Kiên hành quân cùng với Tiểu đoàn 5, đơn vị đi đầu của Trung đoàn 24. Suốt chặng đường dài hơn 60km từ Dầu Tiếng về Sài Gòn, phải vượt qua rất nhiều tuyến chốt chặn của địch ở Củ Chi, thành Quan Năm, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, Hóc Môn, Bà Quẹo..., có lúc không quân địch còn ném bom vào đội hình của ta nhưng nữ biệt động thành Nguyễn Thị Trung Kiên không hề nao núng, cô vẫn bình tĩnh dẫn đường cho bộ đội tiến quân. Đến chiều tối 29-4, tổ dẫn đường của Nguyễn Thị Trung Kiên đã đưa Trung đoàn 24 vào tới ngã ba Bà Quẹo, đây là cánh quân chủ lực đầu tiên có mặt tại nội đô Sài Gòn trong ngày 29-4-1975.

Sáng 30-4, khi cánh quân của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 bị địch chặn đánh quyết liệt ở ngã tư Bảy Hiền, Nguyễn Thị Trung Kiên đã không sợ nguy hiểm ngồi trên chiếc xe tăng đi đầu của Đại đội 2 vượt qua ngã tư Bảy Hiền đánh thẳng về khu Lăng Cha Cả. Tới khu vực Lăng Cha Cả, thấy địch im ắng không có phản ứng gì, Nguyễn Thị Trung Kiên liền đề nghị Đại đội phó Đặng Đức Lập cho xe tăng tiến về Dinh Độc Lập.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi chia sẻ: “Phải nói đề xuất cho xe tăng tiến về Dinh Độc Lập của Nguyễn Thị Trung Kiên lúc đó là một đề xuất táo bạo, quyết đoán. Khi chiếc xe tăng chở cô và đồng đội tiến cách Dinh Độc Lập không còn xa, thấy dân ở các nhà đổ ra đường hò reo rồi thông báo: Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng nên người chỉ huy chiếc xe tăng đã cho xe quay lại. Hôm đó, nếu người chỉ huy của chiếc xe này không cho xe quay lại mà tiếp tục tiến thì đây là chiếc xe tăng đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975”.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi cho biết thêm: “Sau giải phóng, Nguyễn Thị Trung Kiên chuyển về công tác ở Công ty thương nghiệp tổng hợp quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Nữ biệt động này có 2 người con đều học rất giỏi, một người học đại học ở Mỹ, một người học ở Vương Quốc Anh. Cả 2 người con của Nguyễn Thị Trung Kiên đều thành đạt, gia đình hạnh phúc.

Dù chỉ ở Trung đoàn 24 chúng tôi có vài ngày, nhưng hình ảnh cô gái biệt động thành bé nhỏ, gan dạ, dũng cảm Nguyễn Thị Trung Kiên đã để lại những ấn tượng rất sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24. Bây giờ, mỗi lần có dịp gặp nhau anh em Trung đoàn 24 thời đó thường hay nhắc tới cô với một tình cảm trìu mến, thân thương, ai cũng rất mong có dịp gặp lại cô để cùng nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt và rất hào hùng của những ngày cuối tháng 4 năm 1975”.

Trong một lần nói chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, nhà báo Đậu Ngọc Đản, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình - người trực tiếp chụp bức ảnh nữ biệt động thành dẫn đường cho xe tăng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất nói: “Trong cuộc đời gần 40 năm làm báo của tôi thì những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời kỳ ghi dấu ấn sâu đậm nhất. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được dù chiến tranh đã lùi xa.

Về bức ảnh Cô Nhíp, lúc bấy giờ tôi thấy xe tăng của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 cắm cờ giải phóng và cạnh đó là một cô gái vừa đẹp, vừa hiền dịu, lại vừa hiên ngang nên bấm máy chụp. Sau này, qua tìm hiểu tôi được biết, cô ấy tên là Cao Thị Nhíp, còn tên hoạt động là Nguyễn Thị Trung Kiên. Quả thực, ngay khi vừa nhìn thấy cô Nhíp bên xe tăng, tôi đã bị vẻ đẹp ấy cuốn hút. Tôi có cảm giác rằng đây là một hình tượng đẹp - hình tượng tổng tiến công và nổi dậy. Một hình tượng Việt Nam với nụ cười sáng hiền, kiên cường, gan góc nhưng không kém phần nhân hậu, vị tha”.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO