Biên phòng - Người Brâu sinh sống ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum với chưa đầy 500 nhân khẩu, đang lưu giữ bí mật về tục xăm mình trước khi tục này vĩnh viễn không còn hiện hành. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc đã bỏ công đi tìm những người cao tuổi có vết xăm trên mặt, nhưng người già dần mất đi, người trẻ không còn giữ tập tục này. Và những người có khuôn mặt xăm trổ ở ngã ba biên giới Bờ Y vô hình trung trở thành những nhân vật “hiếm có, khó tìm”.
Người Brâu theo chế độ mẫu hệ. Những người cao niên ở làng Đắk Mế có vết xăm trên mặt đều là nữ. Những cụ bà cao tuổi dần đã mất. Cùng với thời cuộc, người Brâu cũng như những dân tộc khác ở Tây Nguyên phai nhạt dần những nét đặc sắc trong văn hóa của họ. Một trong số đó là tục xăm trên mặt. Trước đây - những người cao tuổi ở Đắk Mế kể lại - họ lấy nhựa, gai của cây rừng để xăm các hình hoa văn lên trán, gò má và cằm. Những người đàn ông lấy đá cà bằng 4 cái răng cửa cho đó là dấu hiệu của sự trưởng thành. Trong mắt họ, đó là những tiêu chuẩn của cái đẹp, dễ nhìn, còn thể hiện sự quyền quý, tinh khôn. Một số tục khác như xỏ lỗ ở dái tai để đeo đồ trang sức. Những cái lỗ ở tai được căng ra, sao cho rộng và chảy xuống vai mới là đẹp và quý. Cùng nhiều sự biến thiên khác, các tục lệ được cho là không phù hợp được dần loại bỏ, trong đó có tục xăm hình hoa văn lên mặt.
Vậy xăm hình có thực sự là một tập tục dị biệt cần triệt tiêu hay không? Chúng tôi đi tìm người phụ nữ cao tuổi mà theo những người ở làng Đắk Mế, bà là người B,râu cuối cùng có vết xăm hình hoa văn trên mặt. Trong ngôi nhà sàn đặc trưng của người B,râu, bà lão gầy gò bé nhỏ, những nếp nhăn trên mặt đọng lại cả một cuộc đời nhiều biến động, lo toan và chồng chất những ngày lao động nặng nhọc. Đặc biệt, quanh miệng của bà lão, những vết xăm màu nhọ nồi, nguệch ngoạc kiểu vẽ bằng tay. Bà lão đã lẫn, không nhớ nổi việc xăm trên mặt diễn ra hồi bà còn trẻ. Nhưng những hình xăm đó đã tồn tại bằng một đời người, đi theo năm tháng. Đó là dấu vết còn lại của nếp sống gắn bó với rừng. Và quan trọng hơn là những người trẻ đã bỏ tập tục này của tổ tiên họ. Giờ đây, người B,râu không xăm mặt nữa. Một thanh niên trong làng nói với tôi, người dân tộc B,râu ở Cam-pu-chia vẫn xăm mặt và tôn thờ tập tục này, nhưng ở làng Đắc Mế, tập tục xăm mặt không phù hợp nữa, người trẻ không theo. Một số người cao tuổi hiểu lễ nghi của dân tộc mất đi và tập tục cũng bị thất truyền.
Như vậy, tục xăm mình có phải là một sự bí ẩn, mang tính chất dị biệt dễ dẫn đến những kì thị nên bị thất truyền? Tây Nguyên bây giờ không còn những ngôi làng biệt lập với thế giới bên ngoài nữa. Xu hướng chung là các cộng đồng nhiều dân tộc sống đoàn kết trong các khu dân cư, các tập tục riêng biệt bị đơn giản hóa, hoặc bỏ bớt đi nếu gây ra những phiền phức đối với cộng đồng. Tương lai, tục cà răng, căng tai, xăm mặt sẽ biết mất.
Trên thế giới, hầu hết các tộc người sống gắn bó với đời sống hoang dã đều có tục xăm mình. Cổ xưa nhất, người Việt cổ cũng thường xăm mình để dọa các loại thú dữ. Khi họ sinh sống trên các đầm lầy, ao hồ, biển cả thì xăm hình thủy quái, thuồng luồng trên mặt, trên người để thị uy, trấn áp những đe dọa của thiên nhiên hoang dã đối với con người. Người ở rừng thì xăm thú dữ trên mình để đe dọa ác thú. Việc vẽ hình thù kì quái trên mặt, sau đó là thích vào da thịt, xăm lên mặt, tay và lưng cũng còn là để trấn áp nỗi lo sợ của chính mình. Giờ đây, đời sống hiện đại kéo gần các cộng đồng người, mưu sinh không còn phụ thuộc vào thiên nhiên hoang dã, nên các tập tục cũ cũng dần mất đi là lẽ tự nhiên. Trường hợp của người Brâu cũng tương tự, họ bỏ tập tục vì thấy không cần thiết.
Dù bỏ việc xăm mặt, nhưng người Brâu hiện vẫn còn giữ được nhiều bộ trống, chiêng cổ và rất kính trọng những hiện vật quý này. Dù chỉ để ở góc nhà như một đồ vật sử dụng hằng ngày, nhưng ông Thao Xiêng, một người đàn ông thông hiểu văn hóa của dân tộc Brâu nói rằng, không thể tùy tiện đánh chiêng đánh trống hàng ngày. Chiêng Tha của người Brâu là để giao tiếp với thần linh. Không thể bỗng dưng không có lý do gì mà gọi thần linh về. Họ chỉ đánh chiêng khi có lễ hội và trong làng có việc tụ họp cúng tế mà thôi, còn đánh chiêng thử cho chúng tôi nghe thì họ từ chối ngay. Nói về tục xăm mình đã mất đi, ông Thao Xiêng vui vẻ nói: “Cái gì không phù hợp sẽ tự mất đi thôi, nhưng cái căn cốt của người Brâu thì không thể mất đi được”.
Làng Đắk Mế nằm ngày bên Quốc lộ 40, ở cửa khẩu Bờ Y giáp 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Vị trí đặc biệt này sẽ làm cho ngôi làng dễ dàng phát triển thành một địa danh du lịch. Giữ lại vốn văn hóa riêng có là cái gốc của sự phát triển. Hiện nay, hầu như các gia đình ở Đắk Mế đã xây nhà kiên cố, hơn một nửa số hộ dân được xếp hạng khá giả. Họ có rẫy trồng cà phê, cao su, mì bắp và phát triển chăn nuôi gia súc.
Cơ hội để người Brâu tiếp cận với các nghề thương mại, dịch vụ du lịch, nâng cao đời sống, đồng thời xóa nhòa ranh giới bản sắc văn hóa là có thật. Những khuôn mặt mang hình xăm quanh miệng, trên trán với những nét vẽ ngây ngô sẽ chỉ còn trong cổ tích. Và như vậy, câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của những hình xăm mãi mãi là một trong những câu chuyện thú vị về Tây Nguyên.
Thụy Văn