Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Khai thác hải sản cần lấy thị trường làm “mệnh lệnh sản xuất”

Biên phòng - Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 5-4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

5ka6ci0q9f-74521_7003780551196176596_2
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hải Luận

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời hạn Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá kết quả triển khai và khắc phục chống khai thác bất hợp pháp (IUU) của Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, nước ta có 109.622 tàu khai thác hải sản, tổng công suất trên 10 triệu CV, trong đó có gần 32.000 tàu trên 90CV. Ngoài 925 tàu đóng mới theo Nghị định 67 được trang bị hiện đại, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển còn lại đa phần là tàu vỏ gỗ đã qua nhiều năm hoạt động.

Tàu lắp máy cũ, hệ thống thiết bị cơ giới hóa khai thác chưa cao, trang bị về an toàn như phương tiện cứu sinh, cứu hỏa chưa đầy đủ, hệ thống bảo quản sản phẩm không đạt quy chuẩn. Năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản toàn quốc đạt 3,421 triệu tấn, xuất khẩu sản phẩm hải sản đạt trên 8,3 tỷ USD, trong đó hải sản khai thác chiếm 2,8 tỷ USD.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã chỉ ra vấn đề bất cập của ngành khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản hiện nay là nghề cá của Việt Nam vẫn hoạt động theo phương thức "nghề cá nhân dân", khai thác trên diện rộng chứ chưa phát triển theo chiều sâu; việc phân loại, bảo quản sản phẩm cũng như khâu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, các chuỗi liên kết còn yếu và chưa thực sự hiệu quả. Điều này khiến cho tỷ lệ tổn thất hải sản sau thu hoạch cao, bình quân khoảng 15-25%.

Trong khi đó, hoạt động chế biến hải sản tuy phong phú mặt hàng song vẫn trong tình trạng manh mún, chưa có chính sách phát triển sản phẩm đặc trưng. Cùng đó là tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến hải sản; chưa có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chế biến hải sản; việc nghiên cứu thị trường, công tác đào tạo nhân lực nghề biển vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa thực hiện tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cảng cá.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nghề khai thác hải sản hiện nay cần lấy thị trường làm “mệnh lệnh sản xuất”. Phải nhận diện cho được nhu cầu cũng như nghiên cứu để chế biến các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó tổ chức lại hoạt động khai thác ở cả 3 lớp bờ, lộng và khơi.

Đối với chế biến, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để chế biến sâu nhằm đạt giá trị gia tăng cao nhất; cần rà soát cập nhật các tiến bộ mới nhất về khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản…

5ac6e86a22f7c786e5001ad2
Cách chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam còn lạc hậu, chưa nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa. Ảnh: Phương Oanh

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương ven biển phải quyết liệt trong việc thực hiện các cảnh báo “thẻ vàng” của EC về ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp.

Cùng với tiếp tục tuyên truyền, thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát cần tổ chức tập huấn cho chủ tàu và ngư dân về khai báo, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung theo khuyến nghị của EC để tới đây khi đoàn công tác của EC sang sẽ thấy được Việt Nam đã nỗ lực khắc phục, chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các khuyến nghị này. Thẻ vàng là thách thức, song khi chúng ta khắc phục thẻ vàng sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho xuất khẩu thủy sản.

Mục tiêu năm 2018 của ngành hải sản Việt Nam là kim ngạch xuất khẩu hải sản khai thác đạt 3,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2017 (năm 2017 là 2,8 tỷ).

Phương Oanh - Hải Luận

Bình luận

ZALO