Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 01:24 GMT+7

Bố trí nguồn lực xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông tại 13 tỉnh miền Trung

Biên phòng - Ngày 7-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại 13 tỉnh ven biển miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Thuận).

ry5csa7z9g-6780_f_jo7a2c1s0_NQH_1281
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bố trí nguồn lực, xử lý tình trạng sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở 13 tỉnh miền Trung. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khu vực ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 1.649km cùng mạng lưới sông dày đặc với 48 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển Đông (trung bình 34km bờ biển có một cửa sông). Những năm gần đây, diễn biến xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông trong khu vực diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng. Các địa phương bị xói lở nghiêm trọng gồm Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực xảy ra sạt lở nguy hiểm đoạn qua xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế); Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam); xóm Rớ, phường Phú Đông, xã An Phú (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) và tại các địa phương thuộc huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận…

Bên cạnh hiện tượng sạt lở bờ biển, tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra phức tạp, điển hình như cửa Lạch Vạn, cửa Lạch Cờn (Nghệ An); Cửa Sót (Hà Tĩnh); Cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình); Cửa Đại (Quảng Ngãi); Cửa Tam Quan, Cửa An Dũ (Bình Định)…

Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 7-2018, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120km. Các địa phương mong muốn được hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông đối với 88 điểm, trong đó ưu tiên 48 điểm cấp bách. Về bồi lấp cửa sông, có 40 điểm, trong đó các tỉnh đề nghị ưu tiên xử lý khẩn cấp 24 điểm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 60% GDP đến từ các tỉnh, thành phố có biển, việc sạt lở bờ biển ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì đánh giá tổng thể căn bản tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông để đưa ra các giải pháp phòng chống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và địa phương thích ứng, phòng chống, xử lý vấn môi trường. Cân đối nguồn ngân sách Nhà nước, huy nguồn lực xã hội xử lý hiệu quả sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở.

“Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, các di sản văn hóa, giảm thiểu tối đa thiệt hại những khu vực bị ảnh hưởng. Cũng tinh thần 4 tại chỗ, chủ động hơn nữa trong quy hoạch, sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu tổng thể gồm thích ứng, nạo vét, bố trí nguồn lực, phân kỳ đầu tư. Phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan bố trí, phân bổ hợp lý trong tổng nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương, theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp bách. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, cần huy động nguồn lực xã hội, các nguồn lực quốc tế, nguồn vốn ODA. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định, theo thứ tự ưu tiên, kết hợp dự án nạo vét với bù cát chống sạt lở.

V.H

Bình luận

ZALO