Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 12:21 GMT+7

Bộ tộc du mục Rabari tại Ấn Độ

Biên phòng - Bộ tộc Rabari (hay có tên gọi khác là Rewari hoặc Desai), là bộ tộc bản địa chủ yếu làm nghề chăn nuôi gia súc và lạc đà du mục trên khắp vùng Tây Bắc Ấn Độ, chủ yếu ở các bang Gujarat, Punjab và Rajasthan. Các nhánh của bộ tộc Rabari còn sinh sống ở Pakistan, đặc biệt là tại khu vực sa mạc Sindh.

Đàn ông Rabari chăn nuôi gia súc. Ảnh: JULIE HIGELIN

Nguồn gốc cụ thể của người Rabari vẫn còn là một ẩn số. Nhiều tài liệu cho rằng, bộ tộc Rabari có thể đã di cư đến Ấn Độ từ Iran qua Afghanistan khoảng 1.000 năm trước.

Phần lớn người Rabari theo đạo Hindu. Theo những thần thoại được truyền miệng của bộ tộc, người Rabari được thần Matadevi (hay có tên gọi khác là Pavarti) tạo ra để trông giữ các con lạc đà. Do đó, chăn nuôi gia súc được người Rabari coi là một nghề thiêng liêng. Người Rabari thường cầu nguyện trước thần Matadevi về mọi vấn đề quan trọng, ví dụ như khi nào thì bắt đầu cuộc di cư hằng năm. Cấu trúc xã hội của bộ tộc Rabari cũng mang tính mẫu hệ khi phụ nữ thực hiện phần lớn các công việc kinh doanh và quản lý làng mạc; trong khi nam giới phụ trách chăn nuôi các đàn gia súc - tài sản có giá trị cao duy nhất của người Rabari.

Người Rabari được biết đến với nghệ thuật điêu khắc truyền thống đặc biệt của họ, đặc biệt là tác phẩm điêu khắc bằng đất được quét vôi trắng phản ánh ngôi nhà và làng mạc. Thông thường, phụ nữ Rabari sẽ chế tác các tác phẩm điêu khắc. Bên cạnh đó, phụ nữ Rabari cũng quay len từ lông cừu và dê, đồng thời may váy, mạng che mặt, chăn và khăn len. Mạng che mặt truyền thống sẽ được làm từ len lông cừu.

Theo đó, len được chải thô và kéo thành sợi trước khi được giao cho thợ dệt. Khi mạng che mặt được dệt xong, phụ nữ Rabari bắt đầu thêu lên nhiều loại chỉ màu và gương cắt nhỏ. Phụ nữ Rabari còn nổi tiếng với các tác phẩm thêu và đính cườm cầu kỳ trên quần áo, túi xách, đồ trang trí gia dụng và các loại bẫy động vật. Những tác phẩm thêu thường mô tả tinh tế lại các nghi lễ, sự kiện lịch sử của bộ tộc.

Điều này giúp duy trì kiến thức của thanh niên Rabari về những di sản của họ trong bối cảnh ngày nay, ngôn ngữ Rabari ngày càng mai một. Trong khi phụ nữ chưa kết hôn thêu áo cánh, váy, mạng che mặt, đồ treo tường, gối, ví và bao tải để làm của hồi môn cho riêng mình, thì phụ nữ đã kết hôn thêu quần áo trẻ em, bẫy thú, đồ gia dụng và vải dùng cho nôi em bé. Hôn nhân được người Rabari coi là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Theo truyền thống, đám cưới của một cặp đôi Rabari sẽ diễn ra trùng vào một ngày lễ, tết trong năm.

Bộ tộc Rabari là một trong những dân tộc thiểu số được báo chí chụp ảnh nhiều nhất ở Ấn Độ vì trang phục và đồ trang sức nổi bật cùng các tác phẩm thêu rực rỡ và trang trí nhà hình học đẹp mắt của họ. Người Rabari còn thường xăm những biểu tượng ma thuật trên cổ, ngực và cánh tay.

Đi đến chợ làng hoặc thị trấn địa phương là một hoạt động quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Rabari. Họ thường buôn bán sữa và các sản phẩm từ sữa từ đàn gia súc của gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ Rabari cũng thường mang len và da động vật để đổi lấy các hàng hóa gia đình không tự sản xuất được. Hầu hết người Rabari ăn chay với chế độ ăn uống hằng ngày gồm bánh mì tự làm bằng hạt kê hoặc lúa mì.

Theo truyền thống trước đây, người Rabari sống theo lối sống du mục, tá túc trong lều hoặc dưới bầu trời thoáng đãng và chăn nuôi gia súc, lạc đà và dê. Ngày nay, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người Rabari sống du mục. Phần lớn người Rabari định cư ở vùng ngoại ô của các thành phố, thị trấn và làng mạc theo lối sống bán du mục. Họ chỉ chăn thả theo đàn gia súc trong mùa mưa, sau đó trở về làng làm các công việc khác.

Thu Minh

Bình luận

ZALO