Biên phòng - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung 5 điều vào dự thảo, đồng thời chỉnh lý kỹ thuật một số điều khoản khác cho phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan. Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều ngày 25-10, dự thảo tiếp tục nhận được ý kiến của 16 đại biểu về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) góp ý dự thảo Luật PCCC. |
Đồng ý với quan điểm cần tập trung củng cố tăng cường, tổ chức các lực lượng PCCC ở cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác này phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phát biểu: “Khi chưa có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại cho công tác PCCC, cần phát huy các tổ chức bao gồm đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở và đội PCCC chuyên ngành”.
Đại biểu Xuyền thắc mắc: “Dự luật chưa rõ quy định nội dung về Sở PCCC mà Chính phủ đã tổ chức thí điểm tại 8 tỉnh, thành. Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình phải chờ sau khi ban hành sửa đổi Luật công an nhân dân nhưng Luật PCCC (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp này, nếu không đưa qui định trên vào điều chỉnh, tôi nghĩ chưa thuyết phục”.
Qui định trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc tự trang bị, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ hộ gia đình; trách nhiệm của thành viên trong gia đình, người thuê nhà, người trực tiếp sử dụng căn hộ, nhà xưởng, bãi đỗ xe... là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu. Đại biểu TrươngThị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm quy định chủ đầu tư phải kiểm tra, duy trì sự hoạt động thường xuyên của các công trình, trang thiết bị PCCC cho toàn khu chung cư vào Khoản 2, Điều 21, chứ không chỉ dừng lại ở quy định về phương án và thành lập đội PCCC cơ sở.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Cạn), quy định về trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc đôn đốc, nhắc nhở các thành viên gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và trách nhiệm kiểm tra, phát hiện các sơ hở thiếu sót về PCCC để có biện pháp khắc phục kịp thời, tự giác tham gia các đội dân phòng, đội phòng PCCC ở cơ sở, nơi cư trú là rất cần thiết.
Đại biểu Minh cũng chỉ ra: Mục 3a, Điểm c, Khoản 5, quy định trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ là thiếu tính khả thi. Nhiều hộ dân ngay cả đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chưa đảm bảo đủ thì việc trang bị phương tiện chữa cháy khó có thể thực hiện được.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng yêu cầu bắt buộc tất cả các hộ gia đình phải tự mua sắm trang bị cho mình dụng cụ, phương tiện chữa cháy có thực hiện được không? Liệu tất cả các hộ có tiền để mua sắm cho gia đình ít nhất một dụng cụ, một phương tiện chữa cháy? Quốc hội xem xét quy định như thế nào để sau này triển khai thực hiện Luật có hiệu quả chứ không phải quy định để rồi không thực hiện. Ủng hộ ý kiến này, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị nên quy định loại cấp nhà nào, vị trí ở đâu thì buộc phải có trong mức độ trang bị phương tiện PCCC phù hợp.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lưu ý: “Hiện nay xu hướng người dân sinh sống tập trung nhiều ở các khu chung cư hoặc khu đô thị ngày càng nhiều. Dự thảo luật lần này không bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để các nguồn nhiệt, nguồn điện gần các vật dễ cháy. Nếu chỉ quy định hộ gia đình chỉ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiết sót về PCCC hay chuẩn bị dụng cụ phương tiện chữa cháy tại chỗ, phối hợp với các cơ quan tổ chức trong bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như dự thảo luật (Điều 13) thì tôi thấy còn rất chung chung và khó hiểu, khó thực hiện. Nhân đây tôi cũng đề nghị không dùng từ "chủ hộ gia đình" mà chỉ quy định là "hộ gia đình". Vì không phải chỉ có chủ hộ gia đình mới có trách nhiệm PCCC mà tất cả các thành viên trong gia đình cũng phải có trách nhiệm”.
![]() |
Các đại biểu đề nghị tăng cường công tác kiểm tra và xử lý dứt điểm các công trình chợ, trung tâm thương mại, chợ... không đáp ứng yêu cầu của Luật PCCC. |
Về chế độ chính sách đối với người tham gia chữa cháy, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tán thành với quy định mới bổ sung: "Người tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất. Trường hợp hy sinh, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định", để khích lệ, động viên người tham gia chữa cháy rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm quy định "người tham gia chữa cháy phải được trang bị trang thiết bị bảo hộ" vào trước quy định là được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất. Thực tế hiện nay trang bị cho lực lượng PCCC nói riêng và những người tham gia PCCC nói chung còn rất khó khăn. Tính mạng của con người là quý nhất, vì vậy tôi đề nghị cần phải bổ sung quy định là "ngân sách nhà nước phải bảo đảm trang thiết bị cần thiết cho người tham gia PCCC".
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) yêu cầu dự thảo Luật cụ thể hoá các quy định về chế độ, chính sách đối với người trực tiếp chữa cháy, người tham gia chữa cháy: “Cần phân biệt trường hợp bị chết, trường hợp hy sinh và bổ sung vào điều luật. Về chế độ bồi dưỡng về vật chất đề nghị cụ thể hóa chính sách đối với từng đối tượng tham gia: Cảnh sát PCCC, nhân viên đội PCCC chuyên trách ở cơ sở, lực lượng bán chuyên trách tham gia chữa cháy… để có chính sách bồi dưỡng về vật chất cho phù hợp và đề nghị do Chính phủ quy định điều này”.
Về bổ sung qui định phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng và các khu vực xây dựng trước khi Luật PCCC năm 2011 có hiệu lực, đại biểu Nguyễn Văn Minh phát biểu: Hiện nay, nhiều trung tâm thương mại, kho tàng, công trình được xây dựng trước năm 2011 không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC và có nguy cơ cháy nổ cao. Đối với các công trình này, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra và sớm có biện pháp xử lý, khắc phục. Tôi đề nghị trong dự án luật cần quy định cụ thể về lộ trình để xử lý dứt điểm các trường hợp không đáp ứng yêu cầu của Luật PCCC. Tình trạng các cơ sở nêu trên vin vào cớ này, cớ khác không thực hiện dứt điểm các tiêu chuẩn qui định là mối hiểm họa cho con người và đất nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bổ sung thêm: “Công tác chữa cháy thường xuyên xảy ra tình trạng hết nước và xa nguồn nước. Vì vậy, tôi đề nghị quy định rõ thêm ở các công trình nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu dân cư... phải có họng cấp nước và trong phạm vi bao xa thì có một họng nước cứu hỏa. Cơ quan cấp nước của địa phương phải có trách nhiệm đưa nguồn nước tới các họng nước cứu hỏa. Trong các vụ cháy lớn cần nhiều thiết bị, phương tiện cứu người và chữa cháy theo tôi cần lực lượng quân đội tham gia. Tôi đề nghị Chính phủ phải có một quy định về quy chế phối hợp giữa công an và quân đội trong một số trường hợp đặc biệt”.