Biên phòng - Ngày 3-4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng họp báo quý 1-2019, giới thiệu về hoạt động tổng kết “50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”; các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019) và thông báo về kết quả khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN chủ trì họp báo.
Báo cáo kết quả tổng kết “50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh", Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Thành công lớn nhất và xuyên suốt trong 50 năm qua dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào là nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được cán bộ, chiến sỹ toàn đơn vị hoàn thành xuất sắc. Đối với cán bộ, các y, bác sỹ đã phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực học tập, nghiên cứu, từng bước vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới hoàn toàn làm chủ công nghệ giữ gìn thi hài Bác.
Từ năm 1975 đến nay, đơn vị đã làm tốt công tác đón tiếp 57 triệu lượt người, trong đó có 9 triệu khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; phục vụ hơn 2.500 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng; tổ chức đón tiếp gần 1.000 đoàn Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng viếng Bác…
Đối với các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết, đơn vị sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia tại tỉnh Đắk Nông với chủ đề “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc” vào ngày 13-5-2019; Triển lãm “Huyền thoại Trường Sơn” tại bảo tàng Đường Hồ Chí Minh từ ngày 1-5 đến 31-5; tổ chức giao lưu nghệ thuật “Huyền thoại một con đường” tại Km số 0, Đường Hồ Chí Minh tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An; tổ chức giao lưu văn nghệ, thắp nên tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn vào ngày 11-5; phát động “60 năm Truyền thống Bộ đội Trường Sơn”…
Về kết quả khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) nhấn mạnh: Để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21-10-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504), đến nay Chương trình đã có sự chung tay của toàn xã hội với nỗ lực của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các địa phương và trực tiếp là Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh và VNMAC đã đạt được những kết quả quan trọng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 về quản lý khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần đẩy mạnh việc khắc phục hậu quả bom mìn, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, xác định các nhà tài trợ tiềm năng để tiếp cận và vận động tài trợ đối với các Chính phủ các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary…
Triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn, giáo dục ý thức tránh tai nạn bom mìn cho người dân. Tiếp nhận triển khai có hiệu quả các dự án tài trợ của chính phủ Hàn Quốc tại Quảng Bình, Bình Định với tổng kinh phí 20 triệu USD; triển khai có hiệu quả nhiều dự án thuộc Chương trình 504 như: Dự án khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm môi trường; dự án nâng cao quản lý thông tin; dự án quản lý rủi ro dài hạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh… Tăng cường công tác hoạt động huấn luyện và đào tạo; thu thập, quản lý thông tin, tư vấn giám sát và quản lý chất lượng trong khắc phục hậu quả bom mìn…
Viết Hà