Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 01:54 GMT+7

Bỏ phí cả tỷ USD phụ phẩm nông nghiệp

Biên phòng - Con số trên được các chuyên gia nông nghiệp đưa ra dựa trên con số hơn trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp đang bị đốt bỏ, hoặc thải ra môi trường vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, có sản lượng nông sản lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn.

Ước tính, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp cả nước lên đến 157 triệu tấn mỗi năm, trong đó, có 89 triệu tấn phụ phẩm ngành trồng trọt; 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm; 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp; gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Thế nhưng, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt chỉ đạt 52,2%. Con số này ở ngành chăn nuôi là 75,1%; lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.

Lãng phí nhất là trong tổng số 42,8 triệu tấn rơm lúa chỉ có 56,3% được sử dụng cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây... Một lượng đáng kể rơm rạ được đốt ngay tại ruộng đã gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Các chuyên gia khuyến nghị, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.

Đơn cử, hiện, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản của Việt Nam chỉ đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao, chế biến thành các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thì có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Tương tự, tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn... lên tới 2.083 đồng/kg. Do đó, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm lúa nếu đem bán cho người thu mua.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra, mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng đạt trên 41 tỷ USD trong những năm qua, nhưng đóng góp cho tăng trưởng đang giảm xuống do nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam đã chi 952 triệu USD để nhập khẩu 3,8 triệu phân bón.

Trong khi đó, tỷ lệ các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ hiện vẫn ở mức khá thấp như mới tận dụng được 43% chất thải chăn nuôi; 33,2% chất thải chế biến thực vật... Ngay như trong quá trình sản xuất và thu hái nông sản, chính người nông dân cũng có thể sản xuất được nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ với sản lượng đạt 300 tấn/năm.

Để hướng tới giảm nguồn phân bón vô cơ độc hại cho nông sản và môi trường, chuyên gia quốc tế lưu ý, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Nếu làm tốt, Việt Nam có thể nâng sản lượng phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp hiện nay từ 4 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm.

Muốn vậy, người nông dân và doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi nhằm nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ xanh, nông sản Việt Nam cũng sẽ có cơ hội nâng giá trị cao hơn ở thị trường khu vực và quốc tế.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO