Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 12:31 GMT+7

Bộ đội giúp dân xóa nhà tranh tre

Biên phòng - Một trong những ưu tiên của Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An là đẩy mạnh xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo. Từ việc làm này, nhiều hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã có ngôi nhà chắc chắn, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

xd9l_4a
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp đến từng nhà hướng dẫn người dân trên địa bàn cách chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. Ảnh: Hải Thượng

Chúng tôi theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp đến thăm ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện của gia đình anh Xồng Bá Tu, ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ngôi nhà bằng gỗ được dựng ngay trong phần đất quy hoạch khu dân cư ở đầu bản. Ngôi nhà này là mơ ước của vợ chồng anh suốt 5 năm nay. Đây cũng là một trong số nhiều ngôi nhà được xây dựng từ chương trình giúp đỡ xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn biên giới của BĐBP Nghệ An.

Dừng tay soạn sửa những vật dụng ngổn ngang trên lối vào nhà, anh Tu chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã chuẩn bị nguyên liệu mấy năm qua, nhưng vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên chưa đủ để làm nhà. Nhờ BĐBP quan tâm hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ dựng nhà..., gia đình tôi mới dựng được căn nhà đẹp như thế này”.

Chúng tôi tiếp tục tới bản Xốp Nậm, cách bản anh Tu sinh sống 10km đường rừng, thăm nhà chị Hà Thị Thúy. Sau  hơn 10 năm tích cóp, hai vợ chồng chị Thúy chỉ dựng được bộ khung nhà. Ước mong có một ngôi nhà ấm áp vẫn luôn đau đáu trong lòng người phụ nữ này. Với tinh thần thông cảm và sẻ chia khó khăn, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã hỗ trợ gia đình chị Thúy kinh phí mua tôn lợp mái và cứng hóa nền nhà. Bây giờ, gia đình chị đã được sinh sống trong ngôi nhà trên kín, dưới bền, thiết kế theo đúng phong tục của đồng bào vùng cao.

Phấn khởi trước sự hỗ trợ của BĐBP, chị Thúy cho biết: “Một năm trước, gia đình chúng tôi đã được bộ đội hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình lại được BĐBP hỗ trợ kinh phí hoàn thiện nhà. Có nguồn vốn, có nhà mới, gia đình tôi rất yên tâm. Vợ chồng tôi sẽ chú tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”.

Những năm qua, hưởng ứng phong trào chung tay vì người nghèo biên giới, BĐBP Nghệ An đã vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp kinh phí mua, trao tặng 7 con bò giống, 62 con dê, làm mới và sửa chữa 8 ngôi nhà cho các hộ nghèo, tặng 5 sổ tiết kiệm cho người nghèo cô đơn trên địa bàn xã Tam Hợp. Riêng trong năm 2017, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp tiền lương, công sức hỗ trợ 5 hộ gia đình nghèo trên địa bàn, mỗi hộ 10 triệu đồng xóa nhà tranh tre dột nát, hỗ trợ đầu tư ban đầu 22,5 triệu đồng cho 12 hộ mua giống lúa, ngô lai làm điểm để nhân rộng trong toàn xã. Đồn Biên phòng Tam Hợp cũng triển khai xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi cho các hộ dân trên địa bàn.

Đến nay, đơn vị đã triển khai cho người dân trong địa bàn nuôi 129 con lợn đen tại các bản; 20 gia đình tham gia mô hình nuôi 800 con vịt bầu. Để đảm bảo cho vật nuôi và cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt, cán bộ của Đồn Tam Hợp còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và cách phòng, chống dịch bệnh cho các hộ dân được hỗ trợ cây, con giống. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, đơn vị đã cử 835 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia ngày công làm 4,7km đường giao thông nông thôn nội bản, làm mới 3,5km đường bê tông; tham gia giúp dân khơi thông hệ thống kênh, mương thủy lợi; khai hoang 4,5ha đất trồng lúa nước, 5,2ha đất trồng ngô. 

Đại úy Già Bá Sờng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: “Chúng tôi và cấp ủy, chính quyền địa phương xã Tam Hợp đã lựa chọn các gia đình có nguyện vọng thoát nghèo, có nhân lực lao động để hỗ trợ bằng kinh phí. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp thêm ngày công giúp người dân xóa nhà tranh tre dột nát, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế”.

Chọn cách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng địa phương, gia đình, nhằm giúp người dân có sinh kế và chỗ ở ổn định là cách mà Đồn Biên phòng Tam Hợp nói riêng và BĐBP Nghệ An nói chung đang triển khai trên địa bàn biên giới. Việc triển khai hiệu quả chương trình là điều kiện để người nghèo vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Hải Thượng

Bình luận

ZALO