Biên phòng - Sau khi Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, Quân khu 2 thành lập và thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý hàng trăm bản của hơn 30 xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Điện Biên, cuộc sống của người dân nằm trong vùng dự án từng bước được cải thiện. Những hủ tục đang dần mất đi, một số mô hình phát triển kinh tế mới được thay thế cho những cách làm nhỏ lẻ, lạc hậu. Nhiều hộ dân trước đây du canh, du cư, đốt rừng làm nương thì nay đã định cư, định canh để lao động sản xuất.
Trở về địa bàn các xã của vùng dự án Kinh tế - Quốc phòng thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên sau gần 20 năm thành lập, chúng tôi nhận thấy có nhiều sự thay đổi vượt bậc cả về đất và người. Đó là những con đường nhựa thay cho đường đất lầy lội năm xưa. Đó là những ruộng lúa vàng óng đã được phủ kín bởi đám lau sậy um tùm trên vùng sình lầy. Rồi những căn nhà chắc chắn, lợp ngói đỏ hay tấm lợp phi-brô xi-măng thay cho nhà lá xiêu vẹo của những năm về trước.
Sự thay đổi đó là nhờ một phần dự án Kinh tế - Quốc phòng và công đầu là những người lính trong Đoàn 379 trực tiếp thực hiện thông qua việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm để hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất, xây dựng các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế. Qua đó đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết vùng cao của các huyện thuộc vùng dự án.
Chúng tôi gặp Đại tá Dương Mạnh Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379, khi anh trực tiếp xuống kiểm tra bộ đội đang hướng dẫn bà con trồng khoai tây cao sản ở bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Đây là giống cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng năng suất rất cao. Đại tá Dương Mạnh Hùng cho biết: “Trong giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, chúng tôi cũng có rất nhiều mô hình, trong đó có trồng khoai tây cao sản. Bà con bước đầu không tin tưởng lắm, do trồng ở xa không tiêu thụ, không bảo đảm đời sống được, nhưng chúng tôi đã tuyên truyền, vận động và tìm đầu ra sản phẩm cho bà con. Khi bà con thu hoạch có chỗ tiêu thụ nên rất hồ hởi, phấn khởi phát triển khoai tây cao sản ở địa bàn”.
Có được những thành quả đó, những người lính của Đoàn đã vượt qua nhiều tháng ngày vất vả đến với bà con. Việc đầu tiên, các anh xác định, để người dân không di cư, yên tâm bám bản thì họ phải có cái ăn, mà hạt thóc, hạt ngô là chủ đạo. Vì vậy, từ đó đến bây giờ, bộ đội vẫn giúp người dân có nước sản xuất, mở rộng diện tích trồng lúa từ 1 vụ lên 2 vụ. Đoàn đã phối hợp với chính quyền và người dân địa phương cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, đưa nguồn nước vào từng mảnh ruộng.
Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi thấy sự thay đổi rõ rệt ở bản Nà Cấu, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Đó là hệ thống mương dẫn và tưới nước dài hàng ngàn mét được bộ đội xây dựng theo chương trình dự án, phục vụ tưới nước cho hàng chục héc-ta ruộng trong địa bàn để canh tác 2 vụ lúa. Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội trưởng Đội Sản xuất - Xây dựng cơ sở chính trị số 1 chia sẻ, trong thời gian vừa qua, đội đã tổ chức cho anh em xuống địa bàn, các điểm bản để hướng dẫn bà con lao động, xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế. Trong tất cả các mô hình mà đội tổ chức hướng dẫn cho bà con thì hiệu quả nhất là mô hình trồng lúa nước. Năng suất mỗi sào từ 1 tạ rưỡi đến 2 tạ, gần gấp 3 so với canh tác theo kiểu truyền thống trước kia.
Cũng chính từ việc giúp người dân tiếp cận với khoa học - kỹ thuật mà năng suất trồng lúa đã được nâng cao cùng với nhiều mô hình khác. Thông qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân trong vùng dự án.
Từ đó, người dân nói chung và đồng bào Mông nói riêng đã rất tin tưởng, yên tâm gắn bó với mảnh đất vùng biên này. Anh Vàng Nhè Chứ, dân tộc Mông, ở xã Nà Bủng (thuộc vùng đất nằm trong vùng dự án của Đoàn) bày tỏ: “Bộ đội giúp chúng tôi rất nhiều. Bây giờ, bộ đội nói đi đôi với làm. Chúng tôi rất tin tưởng bộ đội, sau này, chúng tôi không nghe theo kẻ xấu tuyên truyền nữa mà luôn nghe theo lời nói của bộ đội”.
Trên địa bàn xã Mường Tong, chương trình trồng cây keo cũng được chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Đoàn 397 tích cực đi vận động, tuyên truyền cho hộ dân các bản. Có một số bản đã hưởng ứng và đăng ký trồng thử như bản Mường Tong 5 đã trồng được hơn 4ha cây keo. Mới đây nhất, hàng trăm hộ dân từ các bản của xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé cũng đã chuyển về theo Đề án 79 của Chính phủ và được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong đó, lực lượng cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã trực tiếp giúp đỡ nhân dân dựng nhà, khai phá đất hoang để sản xuất và tiếp tục trồng một số cây thử nghiệm khác... Có thể thấy những vùng đất thuộc dự án kinh tế, quốc phòng do Đoàn 379 đảm nhiệm đã và đang mỗi ngày một ấm no hơn kể từ ngày có các anh về bản.n
Hoàng Nghiệp