Biên phòng - Bên cạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai còn tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) của địa phương thông qua những cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy với công việc, hết lòng vì nhân dân.
Bài 1: Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh
Tỉnh Gia Lai có 7 xã biên giới thì có 7 cán bộ Biên phòng thuộc BĐBP tỉnh tăng cường và hiện, 6 đồng chí đang giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Thời gian qua, đội ngũ này đã đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương ngày càng vững mạnh.

Bám làng, bám dân
Chúng tôi gặp Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vũ Văn Hoằng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) khi anh đang đến thăm gia đình ông Rơ Châm Lích ở làng Mook Đen 1. Gia đình ông Lích có con gái Siu H’Thúy vượt biên trở về được chính quyền xã và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh hỗ trợ ổn định cuộc sống. Trung tá QNCN Vũ Văn Hoằng là cán bộ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tăng cường về xã Ia Dom từ năm 2014. Kể từ năm đó, nhân dân trong xã đã quen với hình ảnh người cán bộ Biên phòng tận tụy “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà. Anh cũng là người đưa ra những nhận định, đánh giá đúng thực trạng, tham mưu cho Đảng ủy xã và đồn Biên phòng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, các mặt công tác hiệu quả.
Khi triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã mà chi bộ hoặc một bộ phận người dân chưa hiểu, lập tức anh có mặt để quán triệt, giải thích; đồng thời lắng nghe những ý kiến phản hồi từ nhân dân, già làng, trưởng thôn và các chi ủy. “Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nghị quyết đúng chưa đủ mà phải quán triệt, vận động, tập hợp được nhân dân hưởng ứng thực hiện. Chủ trương một thì biện pháp phải mười, quyết tâm phải hai mươi”, anh Hoằng chia sẻ.
Trao đổi với anh Hoằng, chúng tôi được biết, từ năm 2003, anh đã được cấp trên tin tưởng tăng cường về xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ - một trọng điểm về QP-AN lúc bấy giờ. Sau nhiều năm cùng với cấp ủy, chính quyền xã Ia Pnôn lãnh đạo phát triển KT-XH, củng cố QP-AN vững mạnh và khi xã Ia Dom thực hiện những bước nước rút trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 thì anh được điều sang tăng cường xã Ia Dom.
Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết: "Chúng tôi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ một xã nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém. Kinh tế lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7 triệu đồng/năm. Toàn xã có gần 22% hộ nghèo. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp nên có rất nhiều việc phải làm, cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân. Thực tế cho thấy, không ai giúp chúng tôi hiệu quả hơn BĐBP, đặc biệt là đồng chí Hoằng luôn bám làng, bám dân, vận động mọi người tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Những việc làm của đồng chí Hoằng góp phần gỡ nhiều nút thắt quan trọng cho Đảng ủy và UBND xã. Nhờ đó, năm 2016, Ia Dom là xã biên giới đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, diện mạo của làng, xã thay đổi hoàn toàn; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,79%...".
Với ông Rơ Châm Lích thì Trung tá QNCN Vũ Văn Hoằng như người nhà. Ông Lích nói với chúng tôi: “Chuyện vui buồn gì của gia đình tôi, anh Hoằng đều có mặt. Các chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy xã cũng xuất phát từ sự gần dân, hiểu dân của anh ấy”.
Hạt nhân xây dựng hệ thống chính trị
Đến xã Ia O, huyện Ia Grai - nơi Trung tá QNCN Nguyễn Văn Dương, cán bộ Đồn Biên phòng Ia O tăng cường và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về cán bộ Biên phòng. Đó là khả năng tham mưu thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại địa phương. Ở một xã biên giới mà người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số, trình độ dân trí thấp thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng. Nguyễn Văn Dương được Đảng ủy xã Ia O giao trách nhiệm đó với chức danh kiêm nhiệm cán bộ tổ chức Đảng.
“Làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ? Công tác phát triển đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ?...” luôn là những câu hỏi thường trực trong Nguyễn Văn Dương. Khi nhận thấy rào cản lớn nhất chính là trình độ dân trí thấp, anh Dương đã tham mưu cho Đảng ủy xã cử cán bộ bám thôn, làng, một mặt, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho chi ủy và bí thư chi bộ; mặt khác, trực tiếp hướng dẫn các chi bộ làm tốt từ công tác chuẩn bị đến thực hành sinh hoạt và quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết; đồng thời, xây dựng bồi dưỡng nguồn phát triển Đảng gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương. Riêng Phó Bí thư Dương, từ năm 2012 đến nay, trực tiếp tham mưu và bồi dưỡng để Đảng ủy xã Ia O kết nạp 71 đảng viên, trong đó có 44 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Đảng bộ xã có 14 chi bộ thì 13 chi bộ có chi ủy vững mạnh. Đảng bộ đạt vững mạnh tiêu biểu 7 năm liên tục (2012-2018). Cá nhân Trung tá QNCN Nguyễn Văn Dương năm nào cũng được Huyện ủy, UBND huyện Ia Grai khen thưởng và Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong quá trình công tác.
“Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở xã Ia O có sự đóng góp tích cực của đồng chí Dương”, Bí thư Đảng ủy xã Ia O, ông Ksor Tuy khẳng định với chúng tôi như vậy. Cũng theo ông Ksor Tuy, đó là nhân tố góp phần quyết định những thành tích phát triển KT-XH, xây dựng tiềm lực QP-AN trên địa bàn.
Trao đổi với Trung tá Rơ Mah Tuân, Phó Chính ủy BĐBP Gia Lai, chúng tôi được biết: Từ nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng tham gia hệ thống chính trị các xã tại 3 huyện biên giới, gồm: Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông. Thực tiễn cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở ở vùng biên giới. Các đồng chí phó bí thư đảng ủy xã mang quân hàm xanh phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu cho Đảng ủy xã lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường tiềm lực QP-AN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác dân vận, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng môi trường văn hóa... Đây cũng là một cầu nối và mối liên hệ mật thiết giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định: Phó bí thư đảng ủy xã mang quân hàm xanh là những người có ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực tốt. Các anh không chỉ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, mà còn là tấm gương cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở học tập, làm theo.
Khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả của chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới. Song lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP và các địa phương ở tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, để chủ trương này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần phải có những giải pháp kèm theo, như: Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý KT-XH cho cán bộ tăng cường; sự phối hợp giữa đơn vị có cán bộ tăng cường với địa phương phải chặt chẽ hơn, tránh chồng chéo; đồng thời, phải luân chuyển hợp lý và có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để khuyến khích cán bộ tăng cường.
Bài 2: Biên cương không còn những vùng “trắng” đảng viên
Lê Quang - Sơn Tùng