Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 01:57 GMT+7

Bỏ đại học để dấn thân vào “hành trình không có điểm kết thúc”

Biên phòng - Tôi tìm gặp Khang A Tủa với sự tò mò và câu hỏi lớn: “Động lực nào khiến một chàng trai trẻ người Mông ở vùng núi cao Yên Bái bỏ học đại học, dấn thân vào hành trình không có điểm kết thúc – Khơi dậy văn hóa Mông đang mất dần trong cuộc sống hiện đại?”. Cuộc trò chuyện thú vị với Tủa giúp tôi nhận ra, sự đam mê sẽ chỉ lối cho bất cứ ai trong mọi hành trình đi đến thành công.

47c
Các bạn trẻ dự thi cuộc thi Thanh niên Mông thanh lịch trong Chương trình “Tết Mông xuống phố”. Ảnh: Bích Nguyên

Tiếc vì không bỏ đại học sớm

Điều đầu tiên, chàng trai 23 tuổi Điều phối của nhóm AHD (Action for Hmong Development - tạm dịch là Hành động vì sự phát triển của người Mông) chia sẻ với tôi là cảm thấy nuối tiếc vì không bỏ học đại học sớm hơn. Thật lạ lùng.

Khang A Tủa xuất thân trong một gia đình người Mông chính gốc ở xã nghèo Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Cho đến năm học lớp 10, Tủa mới bắt đầu học nói tiếng phổ thông. Cậu học trò này mất trọn 1 năm mới nói thông thạo để rồi trong 2 năm học sau đó, Tủa đạt danh hiệu học sinh giỏi và xuất sắc, tốt nghiệp Thủ khoa Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Thi đỗ 2 trường đại học, Tủa chọn Đại học Bách khoa. Tủa đã làm mọi việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống khi học đại học. Mọi người đều bất ngờ khi học hết năm thứ 3, Tủa bỏ ngang đại học, dấn thân sang một ngã rẽ khác. Cậu dành thời gian của mình để tìm lại văn hóa Mông ở tuổi 21.

“Em thấy hối tiếc vì không bỏ học sớm hơn chứ không phải hối tiếc vì mình không học xong. Tuy nhiên, thời điểm bỏ học để thực hiện các dự án giới thiệu văn hóa người Mông theo em đến giờ phút này vẫn là phù hợp nhất” - Khang A Tủa bộc bạch.

Tủa mất gần nửa năm “cân đo đong đếm” để đi đến quyết định táo bạo đó, bắt đầu từ những định kiến có sẵn của xã hội mà một người Mông như Tủa phải hứng chịu và sự thay đổi đến chóng mặt của quê hương. Tủa tâm sự: “Từ khi học Trung học phổ thông cho đến giờ, mỗi năm, em chỉ được về nhà 1-2 lần. Mỗi lần về, em đều thấy mọi thứ thay đổi như là em đã xa quê một thế kỷ vậy.

Em luôn tự vấn chuyện gì đang diễn ra với quê hương của mình. Em phát hiện ra một điều là văn hóa Mông rất đa dạng. Đáng tiếc là nó bị mai một nhanh một cách khủng khiếp. Tệ hơn là không có một môi trường nào cho các bạn thanh niên nói chuyện về văn hóa Mông. Do đó, em và các bạn quyết định phải tạo dựng và duy trì môi trường nói chuyện về văn hóa Mông”. Đó cũng là lý do chàng sinh viên Tủa và 11 bạn sinh viên người Mông khác thành lập nhóm AHD vào tháng 8-2015. Nhóm hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, tự vận động tài trợ tổ chức các talkshow (Chương trình truyền hình hoặc phát thanh mà một nhóm người cùng trao đổi, thảo luận về một chủ đề cụ thể), tổ chức sự kiện giới thiệu về văn hóa Mông.

Tủa nói với tôi trong sự tiếc nuối: “Bây giờ, trẻ em người Mông không còn nói tiếng Mông, không nhiều người biết về ý nghĩa các điệu khèn. Không còn nhiều người biết tới truyện cổ tích Mông...”. Những điều đó cho thấy, văn hóa của người Mông đang đứng trước sự đe dọa lớn, có thể sẽ biến mất. Đó cũng là điều khiến Tủa luôn đau đáu trong lòng. “Nó luôn thôi thúc em phải làm gì đó mạnh mẽ hơn nữa để cộng đồng có sự nhìn nhận đúng hơn và trận trọng người Mông cũng như giữ gìn nền văn hóacủa dân tộc Mông” - Tủa chia sẻ.

Phát huy văn hóa Mông trong lớp trẻ

Mục tiêu của nhóm AHD là phát huy văn hóa tốt đẹp của người Mông trong lớp trẻ. AHD ra mắt bằng talkshow “Văn hóa Mông và những điều bạn chưa biết”. “Chúng em là một nhóm vô danh, giới thiệu sự kiện trên Facebook. Vậy mà 1 tuần sau đó, có tới 80 người thuộc nhiều dân tộc khác nhau, có cả người có học hàm, học vị tới dự buổi nói chuyện của nhóm” - Tủa vui vẻ kể.

Thắng lợi đầu tiên tạo hứng khởi cho Tủa và các thành viên trong nhóm AHD tổ chức các sự kiện tiếp theo. Trong 3 năm vừa qua, Tủa và các thành viên nhóm AHD đã tổ chức trên 20 talkshow, 3 sự kiện lớn và một số nghiên cứu chuyên đề về văn hóa Mông. Trong số đó, Tủa tâm đắc nhất sự kiện “Tết Mông xuống phố” và dự án sưu tầm truyện cổ tích của người Mông.

Tủa say sưa kể: “Truyện cổ tích của người Mông có thể phân định làm 3 chủ đề. Một là các câu truyện về thời tiền sử như con người làm quen với thiên nhiên như thế nào. Nhóm thứ hai là các truyện lý giải các tục lệ văn hóa như: Sự ra đời của cây khèn, tại sao phải dùng trống tang, vì sao nhánh Mông này làm mộ ngang, vì sao nhánh kia là mộ ngược, người Mông đến từ đâu... Thứ ba là các câu truyện hình tượng hóa cuộc sống hằng ngày của người Mông...  Điều lý thú là truyện cổ tích Mông khẳng định người Mông vốn dĩ có chữ viết nhưng đã bị thất truyền vì lý do nào đó”.

47b
Tủa chia sẻ, chưa bao giờ nản chí trên con đường đã chọn. Ảnh: Bích Nguyên

Đến nay, nhóm AHD đã tạo được 40 bản ghi âm truyện cổ tích do người già kể lại. “Nhóm đang dịch ra tiếng Việt và đưa lên mạng kèm theo bản phiên âm tiếng Mông. Em hy vọng sẽ làm 1-2 phim ngắn hoặc kịch chuyển thể từ chuyện cổ tích để giới thiệu rộng rãi hơn tới cộng đồng” - Tủa hào hứng cho biết.

Với “Tết Mông xuống phố”, Tủa và các cộng sự đã mang không gian Tết của người Mông với rất nhiều sắc thái văn hóa đến với Thủ đô Hà Nội. Tủa giới thiệu: “Đó là sự kiện lớn nhất trong năm của nhóm AHD. Chương trình bao gồm các hoạt động vui chơi ngoài trời, các gian hàng giới thiệu về văn hóa vật thể của người Mông. Năm đầu tiên, chúng em tổ chức talkshow về vấn đề dịch thuật với văn hóa Mông, năm nay sẽ luận bàn về tục kéo vợ của người Mông”.

Khép lại cuộc trò chuyện với tôi, Tủa chia sẻ còn rất nhiều ý tưởng muốn thực hiện. Sắp tới, nhóm AHD có dự án sưu tầm dân ca Mông. Về lâu dài, Tủa mong muốn bộ truyện cổ tích của người Mông bằng song ngữ sau khi hoàn thiện sẽ đưa được vào hệ thống nhà trường dạy cho học sinh người Mông. Tôi tin câu chuyện về Tủa sẽ là nguồn cảm hứng lớn, tạo hứng khởi cho các bạn trẻ người Mông giữ gìn và nâng niu văn hóa của mình.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO