Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Bó củi “bắt chồng” của người Giẻ Triêng

Biên phòng - Sống giữa đại ngàn Trường Sơn, có thể nói, núi rừng là bộ phận không thể tách rời trong đời sống cộng đồng của người Giẻ Triêng ở vùng cực Bắc Tây Nguyên. Trên lĩnh vực văn hóa, sự hiện diện của cỏ cây, hoa lá, chim muông, của núi đồi trập trùng ngút ngàn trong tầm mắt đã trở thành “lát cắt” sâu nhất, mà nhìn bất cứ đâu trong thơ - ca - nhạc - họa, trong đời sống tâm linh và hiện thực cũng đều thấy rất rõ. Sự hiện diện ấy bao trùm cả một không gian rộng lớn và “cô đặc” trong hơi thở của đất làng.

Những bó củi cầu hôn của người con gái Giẻ Triêng được xếp gọn trước sân nhà chờ đến ngày “bắt chồng”. Ảnh: Thái Kim Nga

Không ai biết bó củi cầu hôn của người con gái Giẻ Triêng có tự lúc nào, nhưng chắc chắn nó đã hiện diện từ thuở con người vừa biết sống “có đôi có cặp”, giữa một cộng đồng trật tự có người dưới kẻ trên.

Lễ vật trân quý này, ngày xưa được người con gái Giẻ Triêng khi đến tuổi trưởng thành sẽ tự tay vào rừng hái củi, tỉ mỉ bó thành từng bó gánh về nhà xếp gọn phía trước sân. Củi cầu hôn được lấy từ mùa rẫy này qua mùa rẫy khác, bao giờ được trên trăm bó thì nhà gái sẽ sang đặt vấn đề với nhà trai. Tất nhiên, với những gia đình giàu có, lễ vật cầu hôn không chỉ là trăm bó củi mà đi kèm còn có chiêng, ché (ghè rượu), trâu, bò, lợn, gà... Song, những thứ tài sản này là không mặc định. Nhà nào có điều kiện thì cho con, cho cháu, còn không đã có cộng đồng đóng góp để cùng lo một bữa tiệc cho cả làng.

Loại củi cầu hôn được người Giẻ Triêng chuộng nhất đó là cây xà nu (thông) và dẻ, một loại cháy nhanh và một lâu tàn. Điều này, ở một góc độ nào đó được hiểu như lời cầu mong về một tình yêu cháy bỏng mà thủy chung, son sắt của đôi vợ chồng trẻ. Củi cầu hôn là lễ vật thiêng liêng nhất trong ngày trọng đại nên duyên vợ chồng, nhưng nó lại là thứ giản đơn nhất, bất kỳ cô sơn nữ Giẻ Triêng nào cũng có thể vào rừng lấy về được. Trăm bó củi - trăm ngày lên nương là “bắt” được chồng mà không gặp chút rào cản nào về chuyện gia sản giàu nghèo, “môn đăng hộ đối”. Chỉ cần có tình yêu là đôi nam nữ có thể nên duyên vợ chồng.

Rõ ràng, đây là nét đẹp mang tính nhân văn trong đời sống văn hóa được người Giẻ Triêng lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Củi cầu hôn còn là thông điệp được truyền tải hết sức nhẹ nhàng trong cộng đồng, nhất là đối với đám trai làng, rằng khi trước sân nhà cô gái có những bó củi được sắp xếp gọn gàng thì chắc chắn “hoa này đã có chủ”. Đơn giản, không cầu kỳ, hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người, mọi gia đình, thế nên khi một cô gái dân tộc khác đến “bắt chồng” là người Giẻ Triêng cũng đều thực hiện nghi lễ củi cầu hôn mà không gặp chút trở ngại nào.

Trong nhịp sống hiện đại, củi cầu hôn vẫn vẹn nguyên giá trị trong đời sống cộng đồng người Giẻ Triêng nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên. Đi dọc tuyến biên giới các xã Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Long (huyện Đăk Glei) vào đến Đăk Dục, Đăk Nông (Ngọc Hồi), tỉnh Kon Tum, không khó để bắt gặp những bó củi cầu hôn được xếp gọn gàng trước sân nhà của những cô sơn nữ sắp đến ngày “bắt chồng”.

Thượng úy A Hùng (dân tộc Giẻ Triêng), Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y tâm sự: “Đây là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Giẻ Triêng cần được bảo tồn, lưu giữ. Bản thân tôi mặc dù có vợ là người dân tộc Jrai, song trước ngày cưới, gia đình cô ấy cũng mang đến những bó củi cầu hôn để làm lễ vật. Củi cầu hôn có giá trị rất thấp về mặt vật chất, nhưng lại là lễ vật thiêng liêng nhất trong ngày trọng đại nên duyên vợ chồng của người Giẻ Triêng. Mặc dù vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là chúng ta không nên quá chú trọng về số lượng mà chỉ xem đó là hình thức để tránh tình trạng làm nguy hại đến tài nguyên rừng. Chính vì lẽ đó, trong công tác tuyên truyền, vận động người dân biên giới tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, chúng tôi vừa khuyến khích nhưng cũng vừa tiết chế số lượng củi cầu hôn để làm sao vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà không tác động tiêu cực đến những cánh rừng”.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO