Biên phòng - Chiều nghiêng bóng nắng, dừng chân bên “dòng sông năng lượng” Sê San phân chia địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai trên đường biên giới để cảm nhận không gian thật vắng lặng, tôi thực sự ngỡ ngàng. Chỉ vài năm trước đây thôi, cũng tại cung đường này, khi mùa khô đến là bắt đầu nhộn nhạo những hoạt động vi phạm quy chế biên giới, mua bán, vận chuyển pháo cấm, vi phạm lâm luật... “Gió đã đổi chiều” khi tấm chắn thép của người lính Biên phòng (BP) được gia cố bền vững, biên giới lại trở về với nguyên bản của mình, bình yên đến vô tận...

Từ sức trẻ trên đường biên giới…
Đại dịch Covid-19 hoành hành suốt hơn 2 năm qua đã cướp đi của nhân loại rất nhiều thứ, thậm chí nó còn làm thay đổi cả những điều đơn giản nhất trong giao tiếp, ứng xử, gặp nhau mặt vẫn mừng nhưng tay không còn bắt vì muốn bảo vệ cho mình và cho cộng đồng.
Đối với người lính BP Kon Tum nói chung, các điểm chốt trên đường biên giới bên dòng Sê San nói riêng, đại dịch Covid-19 cũng đã lấy đi của họ biết bao mồ hôi công sức, khắc nghiệt tưởng chừng đã đi quá giới hạn sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, những “ngôi sao xanh” vẫn ngày đêm lấp lánh bên dòng sông năng lượng để biên giới vẫn được bình yên.
Trong chuyến “du Xuân” trên đường biên giới mới đây, tôi thực sự ấn tượng bởi sự dẻo dai, đầy chất cống hiến của những người lính trẻ ở chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 1 thuộc Đồn BP Sê San (BĐBP Kon Tum). Ở thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những chàng trai tuổi đôi mươi ấy cũng đầy ắp những dự định và ước mơ. Tuổi trẻ mà, ai chẳng nhớ nhung, xao xuyến khi ngày Xuân đang cận kề. Tuy nhiên, gác lại tất cả, họ vẫn ở đó với cung đường tuần tra biên giới đầy gian truân nhưng giàu chất thơ văn và chất chứa những hoài bão của tuổi trẻ dành cho quê hương đất nước.
Nụ cười đầy nắng, Trung úy Bùi Văn Toàn, Đội trưởng Đội Trinh sát, chốt trưởng chia sẻ với chúng tôi: “Khu vực này được Ban Chỉ huy Đồn BP Sê San đánh giá là trọng điểm và phức tạp bởi các hoạt động vi phạm lâm luật, mua bán, vận chuyển các loại pháo cấm qua biên giới. Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát, chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi tập trung đấu tranh ngăn chặn các loại đối tượng lợi dụng địa bàn để làm ăn phi pháp. Gần 1 năm qua, trên đoạn biên giới do đơn vị quản lý không để xảy ra bất kỳ vụ việc nào liên quan đến an ninh, trật tự, buôn lậu, gian lận thương mại, bởi ở đây ngày cũng như đêm, chúng tôi đã dựng sẵn “tấm chắn thép” dọc chiều dài biên giới...”. Biên giới bình yên, song với nhãn quan của một Đội trưởng Đội Trinh sát, Trung úy Bùi Văn Toàn cho rằng, đây chỉ là “khoảng lặng” nhất thời, bởi các đối tượng, nhất là tội phạm liên quan đến pháo cấm vẫn chưa từ bỏ ý định làm ăn phi pháp của mình. Chỉ có điều, khi lực lượng BĐBP giăng lưới bịt kín mọi “cung đường” qua lại biên giới bất hợp pháp, bọn chúng đã phải tạm “thu mình” để chờ thời cơ. Chúng ta hãy chờ xem giữa “mắt cáo” với bước chân người lính ai kiên trì và dẻo dai hơn...
… Đến kinh nghiệm trong quản lý địa bàn, xây dựng đơn vị
Trong câu chuyện đầu năm với những người lính bên dòng Sê San, có một chi tiết khá thú vị, đó là sự trải nghiệm sâu sắc với vùng biên đầy nắng và gió nơi miền cực Bắc Tây Nguyên. Nói một cách khác, những kinh nghiệm trong công tác xây dựng đơn vị, quản lý địa bàn của cấp ủy, chỉ huy Đồn BP Sê San đã tạo ra những lợi thế rất lớn để họ từng bước chuyển hóa địa bàn, mang đến những tín hiệu lạc quan trong xây dựng biên giới bình yên và phát triển.
Nếu như Thượng tá, Đồn trưởng Dư Văn Diệp và Thượng tá, Chính trị viên Võ Thanh Sơn là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ và dân vận để tạo nên những dấu ấn đậm nét trong công tác quản lý, xây dựng địa bàn thì người còn lại - Thượng tá Chu Văn Sơn, Phó Đồn trưởng (nguyên Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum) đầy đủ “tố chất” của người chỉ huy mảng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.

Với đặc thù đường biên giới ẩn chứa nhiều nguy cơ bùng phát điểm nóng hoạt động của các loại tội phạm và một địa bàn dân cư bố trí theo hình “da báo” (Đồn BP Sê San quản lý thôn 8 và một phần thôn 7 thuộc xã Ia Tơl, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Trong khi đó, khu vực đóng quân của đơn vị có điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, rất khó khăn đối với công tác tăng gia sản xuất thì việc bổ trợ kinh nghiệm cho nhau là hết sức cần thiết để chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc nắm chắc mọi diễn biến tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng trọng điểm, đấu tranh có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, những người lính Đồn BP Sê San còn nỗ lực vượt khó, chắt chiu thành quả trong lao động sản xuất để từng bước cải thiện nâng cao đời sống trong đơn vị và giúp bà con nhân dân xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả nhất. Không quy mô, rầm rộ như các phong trào thường thấy ở các khu dân cư, cách làm của những người lính BP bên dòng Sê San tuy nhỏ nhưng hiệu quả, nó cần mẫn như người nông dân cày cuốc giữa cánh đồng rộng lớn, cằn khô.
Ấn tượng nhất vẫn là mô hình luân phiên bò giống giúp dân giảm nghèo bền vững được Đồn BP Sê San khởi xướng cách đây chừng 5 năm về trước. Từ nguồn tăng gia sản xuất, những người lính bên dòng Sê San lựa chọn được 2 con bò giống sinh sản hỗ trợ cho 2 hộ gia đình khó khăn nhất thôn 8 (xã Ia Tơl) là bà Hoàng Thị Nâng và ông Trương Văn Xê để tạo nguồn vốn phát triển chăn nuôi. Cứ như thế, sau khi sinh sản, bò mẹ lại tiếp tục luân chuyển sang hộ gia đình khó khăn khác qua sự bình xét của chính người dân trong thôn. Với cách làm này, đến nay, đã có 8 hộ gia đình nghèo trên địa bàn được “chuyền tay” nhau bò giống mang “thương hiệu” BP và điều đáng mừng là tất cả đều phát triển rất tốt, tạo thêm cơ hội để bà con thoát nghèo bền vững.
Với nguồn vốn được chắt chiu từ tấm lòng người lính, đến nay, kinh tế gia đình bà Hoàng Thị Nâng đã được cải thiện đáng kể với đàn bò được nhân lên thành 3 con, trị giá gần 50 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, niềm vui dành cho hộ gia đình người dân tộc Thái này càng được nhân lên khi có sự đồng hành của người lính BP trong Chương trình “Xuân BP ấm lòng dân bản” và lễ hội bánh chưng xanh do chính quyền địa phương các cấp và đồn BP đứng ra tổ chức.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Thị Nâng cho biết: “Với hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bị bệnh nặng, nếu không có đồn BP đồng hành giúp đỡ, chắc chắn mình sẽ không thể có cái Tết đầm ấm yên vui như thế này. Ở đây, đồn BP là chỗ dựa vững chắc của bà con nhân dân, nhất là những hộ gia đình nghèo như mình. Sự giúp đỡ của bộ đội sẽ tiếp thêm niềm tin để bà con vùng biên giới vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng bình yên và phát triển...”.
Vâng, có niềm tin là có thêm nhiều hy vọng và sự bình yên sẽ đến trong niềm vui của mọi người. Bằng những nỗ lực dẻo dai của sức trẻ trên điểm chốt và tấm lòng sẻ chia, sự trải nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý địa bàn, xây dựng đơn vị, vùng biên bên dòng Sê San lại được trở về với nguyên bản của mình - bình yên đến vô tận.
Trở lại Sê San trong những ngày đầu năm mới, được chứng kiến niềm vui của các chủ nhân nơi đây, chúng tôi càng thấm thía lời ước hẹn của Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum: “Tết này, chúng tôi sẽ phối hợp với 12 xã biên giới trong tỉnh tổ chức Chương trình “Xuân BP ấm lòng dân bản” để mọi người dân nơi tuyến đầu Tổ quốc đều được hưởng trọn vẹn một mùa Xuân ấm áp nhất để không một ai bị bỏ lại phía sau...”.
Thái Kim Nga