Biên phòng - Những năm gần đây, xã biên giới Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An không còn hiện tượng di dịch cư tự do. Người dân trong xã cũng rất tự hào khi trên địa bàn không có người nghiện và phạm tội về ma túy. Những thành quả đó có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của BĐBP, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và sự quyết tâm vươn lên của chính người dân nơi đây.

Không còn di dịch cư tự do
Trong sương sớm, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông ở các bản làng của xã biên giới Nậm Càn đã sáng ánh đèn điện. Trong khi người lớn nổi lửa thổi xôi cho bữa sáng, thì đám trẻ con ùa ra bể nước công cộng đánh răng, rửa mặt, tiếng nói cười vui nhộn. Khung cảnh bình minh ở xã biên giới làm cho người chứng kiến cảm giác bình yên.
Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm bản làng, ông Xồng Bá Lầu, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn chia sẻ: “Phần lớn người khỏe mạnh, nhất là thanh niên ở đây đều chọn về thành phố làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp nên ở nhà chủ yếu là người già và trẻ em trong độ tuổi đi học. Người dân chỉ đi xa làm ăn, rồi mang tiền về kiến thiết quê hương, còn tình trạng di, dịch cư tự do đã chấm dứt hoàn toàn trong những năm gần đây”.
Xã biên giới Nậm Càn có 6 bản, 244 hộ dân đồng bào dân tộc Mông sinh sống từ bao đời nay. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhận thức hạn chế, phong tục tập quán, lối sản xuất còn lạc hậu, nhiều năm trước, cuộc sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đi cùng với đó là tình trạng người dân vi phạm pháp luật còn chiếm tỉ lệ cao, nổi lên như hành vi khai thác lâm sản trái phép, di dịch cư tự do.
Nậm Càn từng được biết đến như điểm “nóng” di dịch cư tự do, khi có thời điểm hàng chục gia đình bán nhà để xuất cảnh trái phép sang Lào tìm cuộc sống mới. Điều đó đã tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân. Bởi nhiều gia đình khi di cư trái phép sang bên kia biên giới mới “vỡ mộng” và tìm cách trở về, trong điều kiện nhà cửa, gia tài đã bán hết, phải làm lại từ hai bàn tay trắng.
Trước thực tế này, Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kiên trì, bền bỉ triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng di dịch cư tự do. “Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, trong đó, vận động những người từng di cư trái phép sang Lào đã hồi hương nói rõ những hệ lụy mà họ phải gánh chịu để nhân dân trong bản, trong xã hiểu, rút ra bài học cho riêng mình” - Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn cho biết.
Cùng với công tác tuyên truyền, BĐBP và chính quyền địa phương chú trọng giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Sau nhiều năm được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất, gia đình ông Và Chư Rùa, ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Rùa chia sẻ: “Được cán bộ địa phương, BĐBP tuyên truyền, chúng tôi hiểu rõ, di dịch cư tự do là vi phạm pháp luật nên phải phòng ngừa, ngăn chặn. Cùng với đó, nhân dân được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất mà mình đang sinh sống”.
Địa bàn “sạch” về ma túy
Hàng chục năm về trước, một số vùng đất của huyện Kỳ Sơn, trong đó có xã biên giới Nậm Càn được biết đến là khu vực trồng cây thuốc phiện. Sau khi có chủ trương lớn của Nhà nước, người dân đã từng bước xóa bỏ hoàn toàn việc trồng cây thuốc phiện và chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hệ lụy của vùng đất từng là “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện vẫn để lại những hệ lụy khá nặng nề, bởi không ít người dân nơi đây nghiện thuốc phiện. Theo thời gian, được sự tuyên truyền, hỗ trợ của BĐBP, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng mà nhân dân đã hiểu rõ tác hại, tránh xa ma túy. Những người trong xã vốn nghiện thuốc phiện cũng quyết tâm từ bỏ “nàng tiên nâu” để làm lại cuộc đời.
“Chúng tôi đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết không để tội phạm câu móc, hình thành các đường dây, tụ điểm buôn bán trái phép chất ma túy vào địa bàn. Cùng với đó, đơn vị luôn chú trọng huy động sức dân để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực dân cư; chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại các bản làng trong xã đều xây dựng tổ tự quản an ninh, trật tự để nắm thông tin, phối hợp với BĐBP, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xử lý các vụ việc phát sinh” - Trung tá Hồ Mạnh Hùng cho biết.
Đồn Biên phòng Nậm Càn và Công an xã Nậm Càn đã phối hợp quản lý chặt chẽ người ra vào địa bàn, không để các đối tượng xấu lợi dụng để móc nối, lôi kéo người dân thực hiện các hành vi trái pháp luật. Cùng với việc lắp đặt các hòm thư, BĐBP và Công an cũng công bố rộng rãi số điện thoại của chỉ huy đơn vị để nhân dân nắm, trực tiếp tố giác, trình báo thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp của BĐBP, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đến nay, xã Nậm Càn là một điểm sáng trên biên giới Nghệ An, người dân chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, xây dựng vùng biên ngày càng giàu mạnh.
Viết Lam