Biên phòng - Gỡ “thẻ vàng” trong khai thác hải sản được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, vì hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng trong tỉnh, BĐBP Bình Thuận đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thượng tá Phạm Xuân Độ, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng BĐBP Bình Thuận cho biết: Bình Thuận là một trong 4 ngư trường lớn nhất của cả nước, trên địa bàn tỉnh có 7.718 tàu cá với 43.874 lao động, trong đó có 3.349 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ. Với lượng phương tiện tham gia khai thác hải sản của tỉnh đông, trong khi đó, nguồn hải sản trên các vùng biển truyền thống ngày càng suy giảm, giá nhiên liệu tăng cao; cùng với diễn biến thời tiết phức tạp nên thời gian qua, một bộ phận ngư dân trên địa bàn tỉnh do nhận thức còn nhiều hạn chế, vì lợi ích kinh tế của mình vẫn cố tình khai thác IUU.
Vì vậy, để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng vi phạm của ngư dân trên địa bàn, BĐBP Bình Thuận tiếp tục chủ động làm tốt hơn nữa việc phối hợp với các ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống khai thác IUU, trong đó, chú trọng việc thực hiện thường xuyên, liên tục nhiều biện pháp, hình thức từ trực tiếp, gián tiếp, trực quan bằng pa nô, áp phích đến mạng xã hội Facebook, Zalo để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thuộc BĐBP Bình Thuận phối hợp cùng các lực lượng, chính quyền 35 xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới biển của tỉnh tổ chức tuyên truyền được 111 buổi cho 16.197 ngư dân về các quy định của pháp luật trong phòng, chống khai thác IUU. Qua đó, cấp phát hơn 30.000 tờ rơi, tờ gấp, pa nô tuyên truyền các loại; hướng dẫn, tổ chức cho 3.811 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên ký cam kết không khai thác IUU; xây dựng, phát 24 bản tin tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU qua loa truyền thanh địa phương và 200 tin, bài tuyên truyền trên 14 trang mạng xã hội Facebook do các đơn vị và BĐBP tỉnh thành lập.
Thuyền trưởng Phạm Tiêu, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền, cũng như tìm hiểu thông tin qua các tờ rơi của lực lượng Biên phòng, tôi nắm rõ các nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống khai thác IUU, đặc biệt là biết rõ về các vùng biển mà mình được đánh bắt để không vượt ranh giới, vi phạm vùng biển các nước”.
Theo thuyền trưởng Trần Đăng, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận: “Nhờ cán bộ Biên phòng tuyên truyền, tôi đã nắm rõ hơn về sự ảnh hưởng đối với đời sống của ngư dân nếu không gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho anh em trong gia đình, bạn thuyền và các chủ tàu, thuyền trưởng tại địa phương để mọi người không qua nước bạn khai thác hải sản trái phép”.
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, công tác phòng, chống khai thác IUU còn được BĐBP Bình Thuận đẩy mạnh qua việc tăng cường thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe đối với các tàu cá không có đầy đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị đảm bảo an toàn, tàu cá có biểu hiện nghi vấn vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển.
Song song với các biện pháp trên, BĐBP Bình Thuận chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, bổ sung, lập danh sách đối với các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để đưa vào diện “giám sát đặc biệt”, từ đó giao nhiệm vụ cho cán bộ các đồn Biên phòng phụ trách các phương tiện trên; duy trì hoạt động có hiệu quả, thường xuyên với sự tham gia sinh hoạt thường kỳ của cán bộ Biên phòng của các đơn vị tại 129 “Tổ tàu thuyền đoàn kết”; phối hợp cùng các lực lượng theo dõi, giám sát chặt chẽ và thường xuyên nhắc nhở việc chấp hành các quy định đối với 100% tàu cá đang khai thác trên biển thông qua thiết bị giám sát hành trình.
Thượng tá Phạm Xuân Độ cho biết, để chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”, trong thời gian tới, BĐBP Bình Thuận sẽ tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp theo chỉ đạo của cấp trên. Trong đó, tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp; phát huy hiệu quả các mô hình quản lý, giám sát phương tiện để phòng, chống khai thác IUU; nâng cao trách nhiệm cán bộ các đồn Biên phòng phụ trách tàu cá thuộc diện “giám sát đặc biệt”; thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác hải sản...
Trung Thành