Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 04:57 GMT+7

Bình Thuận biến “bất lợi” thành “lợi thế” của quốc gia

Biên phòng - “Việt Nam sẽ tận hưởng những kinh nghiệm phát triển và công nghệ điện gió ngoài khơi của các nước đã đi trước. Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận sử dụng những tua bin lớn gấp 4-6 lần so với những tua bin đã lắp đặt trên đất liền ở Việt Nam (tua bin Nhà máy điện gió Tuy Phong chỉ 1,5MW/cột). Việc 60% nội địa hóa của dự án đầu tư nước ngoài trị giá 12 tỉ USD này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển rất tốt” - Ông Ian Hatton, Chủ tịch Công ty Enterprize Energy, Anh chia sẻ thông tin.

1xmj_13a
Ông Ian Hatton, Chủ tịch Công ty Enterprize Energy, Anh. Ảnh: Hải Luận

Ứng dụng công nghệ tiên tiến

Đó là dự án Thăng Long Wind, điện gió ngoài khơi, cách mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận 25km. Theo ông Ian Hatton, ở Anh và một số nước châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)... đã đi tiên phong xây dựng những nhà máy điện gió ở ngoài khơi. “Chúng tôi đã lắp đặt những thiết bị đo gió ở ngoài khơi mũi Kê Gà, kết quả, lượng gió lớn quanh năm đủ để xây dựng một nhà máy điện gió cỡ lớn. Nó ít bị tác động đến môi trường sinh thái vùng biển này. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam, cũng rất mới đối với khu vực châu Á. Hiện, tỉnh Bạc Liêu đã có điện gió nằm sát ven bờ rồi, nhưng công suất nhỏ”.

Tổng nguồn vốn dự án Thăng Long Wind gấp 3 lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phía Việt Nam sản xuất nhiều thiết bị, tạo ra một bước ngoặt lớn cho ngành cơ khí biển nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư phát triển và dịch vụ - Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, cung cấp thông tin: “Công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm mấy chục năm khảo sát, thiết kế, sản xuất và thi công các giàn khoan dầu khí ngoài khơi của Việt Nam. Vì vậy, chủ đầu tư dự án Thăng Long Wind chọn Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là đơn vị sản xuất các thiết bị và thi công toàn bộ dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà”. 

Tôi trao đổi thẳng thắn với ông Khanh: Ông Ian Hatton nói, Việt Nam sẽ nội địa hóa đến 60% dự án điện gió, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro chỉ làm được chân đế móng, lấy đâu ra 60% nội địa hóa? 

Ông Khanh trả lời dứt khoát: Chủ đầu tư chỉ làm ở phần “đầu” là tua bin phát điện và cánh quạt khổng lồ. Còn từ “cổ” trở xuống do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đảm nhiệm sản xuất và thi công. Hiện nay, có nhiều loại thép chống chịu được nước biển, công ty có đủ các loại tàu, máy móc để thi công toàn bộ dự án. Đây là công trình rất lớn, tổng công suất là 3.400MW, lớn hơn cả thủy điện Lai Châu hoặc Sơn La. Riêng nhà máy này phải làm một đường dây tải điện 500kV từ biển đến trục tải của quốc gia. 

Vùng bờ biển phía Nam tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến đầu tư dự án Nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khí sạch LNG với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD, tổng công suất 3.600MW. Ông David Lewis, Giám đốc điều hành Công ty Energy Capital, Mỹ - chủ đầu tư dự án cho biết: “Xây dựng nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khí sạch LNG rất mới mẻ đối với Việt Nam và các nước lân cận, ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... đã làm nhiều năm rồi. Ưu điểm sử dụng khí LNG, sạch và hiệu suất cao, chi phí vận hành và bảo trì thấp, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, giảm sự phụ thuộc vào than đá giống như các nhà máy nhiệt điện. Điều quan trọng, giá thành khí LNG rất rẻ”. 

Theo thiết kế của chủ đầu tư, Nhà máy điện sử dụng nguyên liệu sạch LNG tỉnh Bình Thuận, các tổ máy phát điện nằm trên bờ và xây dựng hệ thống cảng nổi để tiếp nhận những tàu vận tải khổng lồ 150.000 - 180.000m3 khí LNG từ Mỹ. Tại cảng có một kho nổi tiếp nhận khí và điều chế trước khi đưa vào nhà máy. Nhà máy này đi vào hoạt động, mỗi năm đóng thuế gần 1.000 tỉ đồng từ tiền bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

 “Đòn gánh” năng lượng quốc gia

Từ dự án điện gió ngoài khơi, điện khí sạch và nhiều dự án thủy điện, năng lượng mặt trời... tạo nên một bức tranh tổng thể của tỉnh Bình Thuận, trở thành trung tâm năng lượng lớn của đất nước, điều này đã được Bộ Chính trị, Chính phủ định hướng từ nhiều năm trước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 35 nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời, nhiệt điện, thủy điện... đang hoạt động với tổng công suất trên 6.000MW và sản lượng điện thiết kế trên 30 tỉ kwh/năm. Khi nhà máy điện gió ngoài khơi và điện khí LNG đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất điện của Bình Thuận lên trên 12.000MW, lớn hơn cả hệ thống thủy điện trên sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...). Bình Thuận nằm sát với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành “đòn gánh” năng lượng quốc gia. 

xjng_13b
Những chiếc tàu chở than vào cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hải Luận

Tốc độ phát triển năng lượng của Bình Thuận quá nhanh, kéo theo nhiều vấn đề khác, chưa giải quyết được một sớm, một chiều. Chẳng hạn, trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, có 4 nhà máy đang hoạt động với 7 tổ máy, tổng công suất 4.200MW. Mỗi ngày có hàng nghìn tấn xỉ than đưa ra ngoài môi trường. “Tỉnh Bình Thuận có giao cho một vùng đất để chôn lấp xỉ than của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Chỗ đó chỉ cần vài năm nữa là hết chỗ đổ, đến lúc đó không biết đổ đâu cho hết số lượng xỉ than. Nhà máy chúng tôi đang đầu tư 5 triệu USD để xây dựng cảng xuất xỉ than” - Ông Trương Mạnh, Phòng Quản lý nguyên liệu, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, bổ sung thêm thông tin. “Xỉ than xuất khẩu đi nước nào?” - Thấy lạ, tôi thắc mắc. “Ở bên Trung Quốc, xỉ than họ làm được nhiều thứ, mỗi khi xe chở xỉ than ra ngoài, họ tới tranh nhau mua. Ở Vĩnh Tân chỉ có một nhà máy ép gạch từ xỉ than với công suất rất nhỏ, nghe đâu không tiêu thụ được, cũng muốn dẹp tiệm luôn. Trước mắt, có doanh nghiệp chở xỉ than bằng tàu thủy ra miền Bắc bán cho các đơn vị làm gạch, làm đường. Nếu xuất sang Trung Quốc, chi phí vận chuyển cao quá, doanh nghiệp họ không làm nổi” - Ông Mạnh trả lời. 

Một vấn đề khác cực kỳ nan giải đối với Bình Thuận, đó là đường dây chuyển tải điện để tiêu thụ hết công suất các nhà máy sản xuất điện trong tỉnh. Vì không có đường dây tải điện lớn, nhiều nhà máy sản xuất không hết công suất thiết kế. “Dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà đang vướng phải đường dây tải điện 500kV, từ Kê Gà đến đường tải quốc gia. Dự án chúng tôi muốn đầu tư xây dựng luôn đoạn đường dây 500kV này, theo quy định đường dây 500kV do doanh nghiệp Nhà nước xây dựng, quản lý, vận hành để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đoạn đường dây 500kV này dài hơn 100km, nó khác hoàn toàn đường tải Bắc - Nam, điều tiết điện cả đất nước. Vướng mắc này đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao bên sẽ làm đoạn đường dây tải điện này” - Ông Vũ Mai Khanh chia sẻ. 

“Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh Bình Thuận có lợi thế phát triển điện gió, điện khí, nhiệt điện... thành một trung tâm điện lớn của cả nước. Tỉnh cần có quy hoạch tổng thể và quản lý quy hoạch thật tốt để vừa phát triển điện, vừa phát triển du lịch, khai thác thủy sản và nông nghiệp. Cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường theo hướng phát triển xanh và bền vững” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo đối với tỉnh Bình Thuận.

Hải Luận
 

Bình luận

ZALO