Biên phòng - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, từ trong “vũng bùn” của thất bại về kiểm soát dịch bệnh, châu Âu đang dần thoát khỏi những ngày tháng đen tối nhất khi đã nhìn thấy “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.

Theo giới chuyên gia y tế châu Âu, việc nới lỏng các hạn chế phòng, chống dịch bệnh ở nhiều nơi khắp châu lục thời gian gần đây là minh chứng rõ nét cho thấy, châu Âu đang dần tìm thấy sự lạc quan và triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhất là với số ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận mức giảm đáng kể giúp giải tỏa phần nào áp lực dịch bệnh. Nổi bật nhất ở nhiều nước châu Âu là Đức khi từng bước kiểm soát và đẩy lùi làn sóng lây nhiễm thứ 3. Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ: “Chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Niềm tin cũng xuất hiện tại Pháp khi nước này đang từng bước gỡ bõ các hạn chế dịch bệnh kể từ đầu tháng này khi cho phép người dân đi xa hơn 10km từ nơi ở, các hàng quán ngoài trời và địa điểm văn hóa được phép mở cửa trở lại, lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được thực hiện muộn hơn và có thể gỡ bỏ hoàn toàn vào cuối tháng 6 tới. Tương tự, tại “điểm nóng” Italia, trên khắp nước này đều đã đạt được thành công về kiểm soát dịch bệnh và các hoạt động đời sống xã hội đã dần hoạt động trở lại theo các quy tắc về an toàn.
Các hoạt động ngoài trời từng bước được nối lại là một trong những tín hiệu tích cực ở hầu hết châu Âu thời gian gần đây. Cùng với đó, một số quốc gia cũng áp dụng những chính sách tiến bộ như: Đan Mạch cấp chứng nhận người đã tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; Hy Lạp cho phép nhập cảnh nếu đã tiêm chủng vắc xin hoặc kết quả xét nghiệm âm tính...
Theo giới chuyên gia y tế thế giới, có thể khẳng định rằng, “lục địa già” đang đạt được những tiến bộ rõ rệt về phòng, chống dịch Covid-19 với tỷ lệ ca nhiễm giảm đáng kể ở phần lớn các quốc gia châu Âu. Hơn hết, các quốc gia hiện nay đều có nhận thức về dịch bệnh tương đối tốt, đồng thời áp dụng những biện pháp hạn chế, xử lý dịch bệnh ngày càng khoa học và đúng đắn hơn. Đây vốn là điều mà châu Âu đã từng xem nhẹ dẫn tới dịch bệnh bùng phát làm mất kiểm soát, đẩy châu lục từng trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.
Bên cạnh nỗ lực với hiệu quả cụ thể của các chính phủ, người dân châu Âu cũng đã chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức và hành vi về phòng, chống dịch Covid-19. Thái độ chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh hầu như đã không còn ở đại đa số người dân châu Âu, thay vào đó là ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng rất tốt. Những ngày qua, phần lớn người dân châu Âu đang “nô nức” đăng ký tiêm chủng vắc xin với niềm hy vọng sớm thoát khỏi những ngày tháng đen tối bởi dịch bệnh.
Theo giới quan sát và phân tích y tế châu Âu, một trong những động lực quan trọng nhất thắp lên ánh sáng ở châu Âu là nỗ lực vượt bậc về nghiên cứu, phát triển và triển khai tiêm chủng vắc xin liên tục được đẩy mạnh. Tình trạng khan hiếm vắc xin cũng đang từng bước được giải quyết, tạo lực đẩy rất lớn cho giải pháp căn cơ này.
Nhiều học giả quốc tế đánh giá rằng, Covid-19 đã là một lời thức tỉnh mạnh mẽ đối với người dân châu Âu về dịch bệnh. Nếu ở thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 vào năm ngoái, nếu châu Âu có nhận thức tốt hơn với mức độ nghiêm trọng về lây lan dịch bệnh thì có lẽ đến nay, châu Âu đã không chứng kiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với 3 làn sóng dịch bệnh như thời gian qua.
Bao nỗi tang thương đã và vẫn đang diễn ra ở châu Âu là lời nhắc nhở sâu sắc rằng, không thể lơ là, chủ quan, bởi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, nhất là khi vắc xin chưa thể tiêm chủng trong ngày một ngày hai, cũng như chưa thể chứng minh khả năng vô hiệu hóa vắc xin của những biến thể virus mới. Mặt khác, những hình ảnh về sự tàn phá khốc liệt của dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ cũng là lời cảnh tỉnh về sự an toàn, về sự sống và một cuộc sống yên bình, tốt đẹp.
Thanh Trúc