Biên phòng - Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay có chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới, nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.

Chủ đề trên phản ánh vấn đề của cộng đồng toàn cầu và cũng là một dịp để Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những nỗ lực đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng họ vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số.
Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bình đẳng giới luôn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng đất nước phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và đạt được những thành tựu quan trọng. Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo đã từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đặc biệt, tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%...
Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới.
Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái (tỷ số thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái). Mất cân bằng giới tính đang gây tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số, dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi và sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người Việt Nam. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản khoa... để lựa chọn giới tính trước sinh; nếu thai nhi là gái, họ có xu hướng phá thai.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời. Đây là việc làm có hại đối cho người phụ nữ và trẻ em gái, phản ánh sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới ngay từ khi trẻ em gái chưa được chào đời.
Do đó, để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ , trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế-xã hội nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội.
Đồng thời, cần xây dựng và ban hành hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái; tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong kinh doanh, tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật để vươn lên phát huy khả năng và tham gia đóng góp cho xã hội.
Cùng với trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực, phụ nữ cần chủ động, đoàn kết cùng cộng đồng thích ứng với môi trường đang thay đổi, thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy sự tham gia, đón đầu của phụ nữ trong kỷ nguyên chuyển đổi số, kinh tế tri thức.
Ngày Dân số thế giới năm 2023, chúng ta nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái, xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.
Thanh Thảo