Biên phòng - Trong những ngày đầu năm mới, cuộc giao tranh giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ ở Thủ đô Tripoli đang ngày càng leo thang nghiêm trọng, buộc những nguồn lực từ nước ngoài phải can thiệp sâu vào quốc gia này. Libya đang trở thành một trong những “lò lửa” lớn nhất tại Trung Đông.

Ngày 5-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chính thức tuyên bố triển khai quân đội can thiệp vào Libya sau khi được Quốc hội nước này “bật đèn xanh” cho việc đưa quân tới Libya vào ngày 2-1 theo lời kêu gọi giúp đỡ của GNA nhằm đối phó với LNA.
Tuy nhiên, ngày 6-1, LNA đã tấn công các lực lượng của GNA và giành quyền kiểm soát phố ven biển Sirte, cách Tripoli 450km. GNA tuyên bố rằng, họ đã rút khỏi Sirte nhằm giảm thiểu thương vong. Tới ngày 7-1, LNA bắt đầu tiến vào Thủ đô Tripoli với những màn giao tranh khốc liệt với GNA. Theo giới chuyên gia quốc tế, sau 9 tháng kể từ khi xảy ra giao tranh vào tháng 4-2019, LNA đang “dồn lực” tấn công GNA nhằm chiếm ưu thế trước khi các nguồn lực từ nước ngoài kịp hỗ trợ GNA. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ chưa kịp triển khai quân tới Libya thì đã phải chứng kiến LNA áp đảo GNA.
Trước động thái can thiệp vào Libya của Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng LNA đã tuyên bố sẽ chiến đấu nhằm bảo vệ lãnh thổ và danh dự. Ông Khalifa Haftar cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang có tham vọng cai trị Libya như thời Đế chế Ottoman trong lịch sử.
Ngày 6-1, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame cũng đã lên tiếng bày tỏ sự giận dữ trước động thái can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya. Ông Ghassan Salame cho rằng, các nước liên quan chỉ tập trung vào những tham vọng của mình mà không quan tâm tới sự bình yên của người dân đang từng ngày đau đớn bởi chiến tranh. Đồng thời, ông Ghassan Salame cũng yêu cầu mọi quốc gia hãy đứng ngoài cuộc nội chiến Libya.
Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, GNA tuy là chính phủ được quốc tế công nhận và có được sự hậu thuẫn từ Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất có nhiều phần yếu thế. Trong khi đó, LNA được Nga, Pháp, Ai Cập, Saudi Arabia và nhiều quốc gia khác hậu thuẫn. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ - nguồn lực lớn hỗ trợ GNA đang đối đầu căng thẳng với Mỹ, cũng như gặp sự phản đối của Nga và quốc tế liên quan đến việc nước thứ ba can thiệp vào Libya.
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya được giới chuyên gia nhận định là hành động nằm trong tham vọng trở thành cường quốc ở khu vực Trung Đông, mà Libya là một “điểm nóng” có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, GNA sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ đạt được mục tiêu lợi ích của mình tại Libya. Đó là việc khống chế, áp đặt cục diện chính trị, an ninh, quân sự, tạo sự kết nối thuận lợi với các vị trí chiến lược như miền Bắc Syria, Iraq, Qatar...
Trong khi diễn ra các màn giao tranh ác liệt tại Libya, các nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) và các Bộ trưởng Ngoại giao của Anh, Pháp, Đức và Italia đã phải hoãn chuyến đi tới Libya và tiến hành cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, ngày 7-1. Người phát ngôn của người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết, các cuộc đàm phán tập trung vào việc tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Libya. Còn Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho rằng, Libya có nguy cơ đối với châu Âu về di cư và cả khủng bố, nên châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để giúp ổn định Libya.
Tương lai của Libya sẽ thêm phần căng thẳng nếu có sự tham chiến của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực lượng phiến quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Kéo theo đó, các nguồn lực nước ngoài ủng hộ LNA cũng sẽ tăng cường viện trợ và tham chiến để cân bằng cục diện. Từ đó, cuộc nội chiến tại Libya sẽ kéo dài và khó có thể khép lại được.
Thanh Trúc