Biên phòng - Tọa lạc trên đỉnh đồi Khau Cả (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), Di tích Nhà tù Sơn La được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (QGĐB) theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31-12-2014, là điểm đến ưa thích của du khách bốn phương. Chính tại nơi đây, ý chí cách mạng, khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng nơi núi rừng Tây Bắc.
Những ngày cuối tháng 3, Di tích QGĐB Nhà tù Sơn La luôn tấp nập bước chân của nhiều đoàn khách du lịch, đặc biệt là những đoàn viên thanh niên đến tìm hiểu về lịch sử truyền thống của cha anh. Người người háo hức đến đây bởi đã nghe nói về câu chuyện cây đào Tô Hiệu, về tinh thần đấu tranh cách mạng quyết liệt của những người chiến sĩ cộng sản kiên trung nơi nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này.
Nhà tù Sơn La được xây dựng năm 1908, trên ngọn đồi Khau Cả. Đứng từ đỉnh đồi này có thể nhìn bao quát toàn cảnh thị xã Sơn La. Nhà tù được xây dựng với diện tích ban đầu là 500m2, là nơi giam giữ tù thường phạm. Sau 3 lần xây dựng thêm, diện tích nhà tù lên đến 2.170m2.
Nhà tù được xây dựng chủ yếu bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, giường nằm cho tù nhân xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Những xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai giam, trại ba giam, những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2 cùng hàng trăm hiện vật như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn... là những chứng tích sống về tội ác dã man của thực dân Pháp đã gây ra tại đây.
Theo chân cô thuyết minh viên Lò Thị Thắm, du khách được nghe kể về những gian khổ, khó khăn, sự đe dọa tính mạng của người tù bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La. Trước đây, quanh khu vực Nhà tù Sơn La còn là vùng rừng núi hoang vắng. Vào mùa hè, do bị ảnh hưởng bởi gió mùa Tây Nam, các phòng giam ở đây nóng như lò nung, còn mùa Đông lại buốt lạnh thấu xương vì gió mùa Đông Bắc.
Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, môi trường ở mỗi phòng giam bị ô nhiễm nặng nề, làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân. Do không thể chém giết cùng một lúc hàng loạt chiến sĩ Việt Nam yêu nước, nên thực dân Pháp đã thực hiện âm mưu hết sức thâm độc là lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, kết hợp với chế độ ăn uống kham khổ, chế độ lao tù hà khắc, cực nhọc... để giết dần, giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần của người tù cộng sản.
Thực dân Pháp muốn lấy nơi “rừng thiêng nước độc”, lợi dụng vùng rừng núi xa xôi cách trở, biệt lập với thế giới bên ngoài để làm nhụt ý chí đấu tranh của những người chiến sĩ yêu nước. Người ta vẫn còn truyền lại câu ca: “Nước Sơn La, ma Tạ Bú”, hay "Ai lên Hát Lót, Chiềng Lề, khi đi thì dễ khi về thì không" hoặc “Hãi hùng thay đất Sơn La/ Mặt vàng, bụng ỏng, màu da mạ chì”... Chỉ tính trong giai đoạn 1930-1945, Nhà tù Sơn La đã giam cầm 1.007 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.
Trong tình hình mọi sự liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt, không thể liên lạc được với Trung ương Ðảng và bị cô lập giữa chốn lao tù khổ sai, nhưng những người cộng sản vẫn hướng về Ðảng, tổ chức hoạt động bí mật, biến nơi ngục tù thành trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sĩ, đảng viên cộng sản kiên trung.
Các đảng viên cộng sản tại đây đã thành lập được chi bộ Đảng do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, những người tù chính trị thường xuyên tổ chức các cuộc đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau như: Đưa ra yêu sách, thương lượng, biểu tình phản đối, tuyệt thực; trung bình vài ba tháng lại tổ chức một cuộc đấu tranh...
Xúc động hơn cả khi cô thuyết minh viên Lò Thị Thắm đứng bên bức tượng tạc hình người kham khổ đặt ngay cửa vào nhà trưng bày, nhắc đến tình cảnh bi đát của người chiến sĩ cách mạng trong mùa hè năm 1941 sau cuộc đấu tranh “chống khủng bố”. Không những tù nhân bị giam cầm trong hầm tối, mà còn bị địch bỏ đói và bắt nhịn cả uống.
Sang ngày thứ ba, cơ thể mọi người đã suy kiệt, chỉ còn nằm thiêm thiếp đợi chết. Khi không có nước, những người tù phải uống cả nước tiểu của mình và của bạn. Rất may, đến sáng ngày giam thứ tư, một anh lính có cảm tình với cách mạng đã nhân lúc vắng người, tụt xuống hầm mang cho mọi người vài ca nước. Câu chuyện trở thành giai thoại được nhắc đi nhắc lại để thế hệ sau biết được tội ác dã man của kẻ thù và tinh thần quật cường của các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm, tù đày tại Nhà tù Sơn La.
Ngày nay, di tích xưa không còn lại nhiều, chỉ còn là một bãi gạch tan hoang, những nền móng nhà, những bức tường nhà ngục đổ nát là minh chứng cho tội ác dã man của kẻ thù. Bởi năm 1952, trước khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp đã ném bom xuống khu vực nhà tù để xóa dấu vết tội ác.
Năm 1965, đế quốc Mỹ ném bom bắn phá nơi này khiến Nhà tù Sơn La gần như bị phá hủy hoàn toàn. Một số hạng mục nhà ngục đã được Bảo tàng Sơn La khôi phục để du khách phần nào thấy được tội ác của kẻ thù. Ngày nay, mỗi năm, Nhà tù Sơn La đón tiếp hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập...
Còn lại nguyên vẹn tại đây là cây đào Tô Hiệu tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của người Bí thư Chi bộ của những chiến sĩ cách mạng bị cầm tù ở đây. Chị Lò Thị Thắm cho biết: "Đồng chí Tô Hiệu cũng là người có công lao to lớn, giúp các đồng chí ở đây viết tài liệu để học tập, biến nhà tù đế quốc này thành trường học cách mạng, nơi đào tạo các cán bộ cốt cán cho cách mạng sau này". Ngày nay, cây đào Tô Hiệu ở Nhà tù Sơn La vẫn luôn xanh tươi, trổ hoa rực rỡ khi Xuân về..
Thanh Thuận