Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Biểu dương 294 mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc

Biên phòng - Ngày 1-12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại đại hội. Ảnh: Thùy Trang

Tham dự đại hội có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; các đại biểu đến từ bộ, ngành, hội Khuyến học các tỉnh, thành phố và 294 đại biểu đại diện cho các gia đình, dòng họ, cộng đồng được biểu dương.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, tính đến tháng 9-2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt 72,77% so với tổng số gia đình trong cả nước; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51% số chi tộc trong cả nước. Tương tự, tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38% số thôn, bản, tổ dân phố đơn vị học tập đạt 85,73% số cơ quan, công sở, trường học, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… do cấp xã quản lý.

Trong phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, nhờ chịu khó học tập, nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh nên nhiều gia đình đã thoát nghèo, có nghề và việc làm ổn định, nhiều gia đình có thu nhập cao hơn, cuộc sống cũng tốt hơn.

Các địa phương có số gia đình học tập đạt trên 80% so với tổng số gia đình trên địa bàn là: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Long An…

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trao bằng khen cho các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tiêu biểu. Ảnh: Thùy Trang

Trong phong trào xây dựng “Dòng họ học tập”, điển hình có dòng họ Dương (Bắc Sơn, Lạng Sơn); dòng họ Quàng (Chiềng An, Sơn La)... Hầu hết các dòng họ học tập tiêu biểu đều là những dòng họ thoát nghèo. Nhờ tích cực tham gia những khóa học ngắn hạn, nhiều gia đình trong dòng họ có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn trước.

Nét nổi bật của các dòng họ học tập là ý thức xây dựng truyền thống hiếu học của dòng họ. Sự khích lệ đối với các thành viên trong dòng họ, nhất là con cháu đang học tập trong hệ thống giáo dục ban đầu… Trong dòng họ tiêu biểu, nhiều dòng họ có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, đạt huy chương trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế…

Đối với phong trào xây dựng “Cộng đồng học tập”, hiện trên cả nước có gần 90.000 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu học tập cộng đồng. Đồng thời, có rất nhiều địa phương đạt tỷ lệ “Đơn vị học tập” trên 80% so với tổng số đơn vị trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của Hội Khuyến học các tỉnh/thành phố, luôn năng động, sáng tạo trong tổ chức phong trào. Với cách làm đa dạng, phong phú trong tuyên truyền, huy động người dân, các tổ chức, đơn vị tham gia phát triển tổ chức Hội và hội viên, vận động phát triển quỹ Khuyến học… nên phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa tốt. Từ mô hình “Tiếng kẻng học tập” đến phong trào nuôi “Heo đất”, “Con gà khuyến học”, “Luống rau khuyến học”... đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày, như một sự động viên, nhắc nhở các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn bản, tổ dân phố… cố gắng học tập thường xuyên, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết, tính đến tháng 9-2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt 72,77% so với tổng số gia đình trong cả nước. Ảnh: Thùy Trang

Tại đại hội, 294 mô hình học tập tiêu biểu (gồm 84 gia đình học tập, 71 dòng họ học tập, 72 cộng đồng học tập, 67 đơn vị học tập) được biểu dương.

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và biểu dương những cố gắng và thành tích của những gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu toàn quốc và của hệ thống Hội Khuyến học các cấp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biệt tổ chức Đảng và đảng viên cần tiếp tục quan tâm phát triển phong trào thi đua, đẩy mạnh sự học của toàn xã hội trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bằng tri thức, bằng trí tuệ trên nền tảng khoa học công nghệ phát triển.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO