Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 09:42 GMT+7

Biến “thách thức thành cơ hội” trong bối cảnh Covid-19

Biên phòng - Việt Nam hiện đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều nói chung giai đoạn 2018-2020 đạt khoảng 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng 18-20%, tương đương 900 triệu USD/năm. Con số này so với tiềm năng kinh tế và quan hệ chính trị lâu đời giữa hai nước có thể nói là vẫn khá khiêm tốn, cần phải cải thiện mạnh trong thời gian tới.

Trên 90% số lượng chè của Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga là sản phẩm thô, chưa qua chế biến nên giá trị không cao. Ảnh: Bích Nguyên

Thị trường đầy tiềm năng

Những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nga tăng mạnh, đặc biệt sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10-2016 trong đó Liên bang Nga là thành viên chủ chốt. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu mạnh mẽ sang Nga như thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam, với quy mô dân số 250 triệu dân (Nga 150 triệu người), quy mô thị trường Việt - Nga rõ ràng là không hề nhỏ, có thể xác định là tâm điểm kết nối của vùng Đông Nam Á và Cộng đồng các quốc gia độc lập-SNG (Xô Viết cũ).

Đối với thương mại nông sản Việt-Nga, giá trị 2 chiều trước năm 2018 chỉ vào khoảng trên dưới 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay đã tăng trưởng mạnh, đều đạt trên dưới 900 triệu USD/năm và khá cân bằng giữa hai nước. So với trước năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đã tăng khoảng 80%.

Đà tăng này được duy trì sang năm 2021. Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Nga là chủ yếu các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và nhập khẩu từ Nga là chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá: “Cơ cấu các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, kim ngạch trên vẫn còn thấp so với kỳ vọng và mục tiêu phấn đấu giữa hai nước. Hai bên cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng được lợi thế so sánh và các sản phẩm thế mạnh và đặc biệt biến “thách thức thành cơ hội” trong bối cảnh Covid-19”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Sergey Lvovich Levin cho hay, Hiệp định AEAU đã mở ra cơ hội về thương mại mạnh mẽ cho 2 nước. Việt Nam là một trong những thị trường năng động và phát triển trong khu vực. Thời gian qua, mặc dù đại dịch Covid-19 nhưng thương mại nông nghiệp giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Hai nước có thể phát triển thương mại nông nghiệp lên mức độ mới.

Tìm giải pháp nâng tầm thương mại Việt - Nga

Tiềm năng để phát triển thương mại hai chiều Việt Nam và Liên bang Nga rất lớn, tuy nhiên, hiện số lượng doanh nghiệp của cả 2 bên được cấp phép xuất nhập khẩu nông sản còn hạn chế. Hiện, Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga. Việt Nam cũng đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 2 sản phẩm (thịt gà/gia cầm chế biến và sữa). Ở chiều ngược lại, có 52 doanh nghiệp của Liên bang Nga được chấp thuận xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Tháng 9-2021, Việt Nam cũng đã cấp phép 26 doanh nghiệp thủy sản của bạn chính thức được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, nhu cầu thương mại nông, thủy sản các doanh nghiệp giữa hai nước rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp hai bên cần lưu ý và tận dụng lợi thế từ Hiệp định AEAU. Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, nhờ Hiệp định AEAU nên hầu hết các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam sang Nga có mức thuế bằng 0%; trong khi đó sản phẩm từ các nước khác có mức thuế thông thường nên hàng hóa Việt Nam thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lượng doanh nghiệp xâm nhập sâu vào thị trường Nga.

Theo ông Minh, để tiếp tục thúc đẩy thương mại nông, thủy sang Nga, các doanh nghiệp cần tham gia vào các triển lãm lớn của Nga hàng năm nhằm tìm hiểu thị trường. Nếu doanh nghiệp làm tốt khâu thị trường thì sẽ tăng được lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga. “Doanh nghiệp cần nghiên cứu, đầu tư vào Nga các sản phẩm có lợi thế như cà phê, thủy sản, sản phẩm trái cây chế biến… Nếu doanh nghiệp chỉ xuất khẩu hàng thô thì giá trị rất thấp”- ông Minh nói.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, Nga là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam với sức tiêu thụ lớn. Hiệp định EAEU mở ra cơ hội cũng như thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định về an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng… tương đối chặt chẽ theo các quy định riêng của Nga.

Cà phê là một trong số các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Nga. Ảnh: Mai Hoàng

Theo bà Tô Tường Lan, các cơ quan hai nước cần tăng cường trao đổi hợp tác, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại trong thời gian tới; rút ngắn thời gian giải trình lô hàng bị cảnh báo để các doanh nghiệp sớm xuất khẩu trở lại. Bà Tô Tường Lan kiến nghị thêm việc mở thêm vận chuyển bằng đường tàu hỏa để giảm áp lực về đường tàu biển hiện nay.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, thương mại nông sản giữa Việt - Nga có tiềm năng rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam và Nga rất muốn mua nông sản của nhau nhưng điều kiện giao thương còn hạn chế. Cơ quan chức năng hai bên cần tiếp tục rà soát các quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, tháo gỡ các khó khăn từ hai phía để thúc đẩy thông quan nhanh nhất. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan bàn giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối để doanh nghiệp của 2 nước có điều kiện gặp gỡ, trao đổi.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO