Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Biến thách thức thành cơ hội

Biên phòng - Thái Lan chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2019 từ ngày 1-1, sau khi Singapore đã làm tốt vai trò này trong năm 2018. Giới phân tích cảnh báo Thái Lan nói riêng và ASEAN nói chung trong năm 2019 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cần chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch để vượt qua khó khăn, đồng thời “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” đúng như chủ đề năm ASEAN 2019 mà Thái Lan đã đề ra. Thách thức luôn đi kèm cơ hội, Thái Lan cùng ASEAN sẽ thành công nếu có thể biến những thách thức đó thành cơ hội chiến thắng.

sbuj_20a
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã nhận bàn giao vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019 từ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Investine

“Cái khó... ló cái khôn”

Không phải vô cớ mà các nhà phân tích lại cảnh báo rằng cả Thái Lan và ASEAN đều phải giữ vững tâm thế và chuẩn bị kỹ lưỡng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đồng thời cần nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do. Họ nói rằng năm 2019 sẽ là một năm khó khăn đối với ASEAN.

Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung cùng với chủ trương bảo hộ thương mại kiểu “Nước Mỹ trên hết” đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu trong ASEAN. Để ngăn chặn hiệu ứng lan truyền của cuộc chiến thương mại nói trên, ASEAN cần phải tăng tốc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ASEAN+6 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Trong khi đó, quan hệ Nhật-Trung đang đi vào quỹ đạo có thể thúc đẩy hai nước này bắt tay hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực, trong đó có các nước ASEAN, tạo ra tình thế các bên cùng có lợi. Thái Lan với tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ phải hỗ trợ các nước thành viên đứng vững và đảm bảo rằng Hiệp hội này sẽ ủng hộ thương mại tự do, rộng mở.

Hiệu ứng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng tỷ lệ lãi suất sẽ là mối đe dọa lớn đối với ASEAN trong năm 2019. Việc FED tăng lãi suất sẽ gây ra tình trạng bất ổn về tài chính ở một số nền kinh tế, giống như đã từng diễn ra đối với Indonesia và Philippines. Những đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể châm ngòi cho hiện tượng thoái vốn khỏi các nền kinh tế khu vực và kích hoạt tình trạng bất ổn, thậm chí là khủng hoảng tài chính.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với nhiều hoạt động diễn ra ở eo biển Malacca và khu vực Đông Nam Á và đóng vai trò “mắt xích” nối hai đại dương, gần như chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các nước thành viên. Toàn bộ khu vực ASEAN, trong đó có Thái Lan, sẽ cần các hiệp định thương mại tự do hơn bao giờ hết, trong đó có RCEP, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của nước này đang bị thu hẹp và nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái. Thái Lan đang tham gia triển khai Kế hoạch “Thái Lan +1”, tập trung vào các nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thái Lan có thể tỏa sáng trên lĩnh vực an ninh. Với lợi thế không phải là một bên yêu sách trong tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt tại Biển Đông, Thái Lan có thể đóng vai trò là trung gian hòa giải độc lập, điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong việc tiếp tục đàm phán xây dựng, hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việc cần làm ngay

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Prayut Chan-ocha nhấn mạnh, Thái Lan sẽ là một kiến trúc sư của khu vực nhằm cùng các nước thành viên giải quyết các thách thức đang đối mặt, như cạnh tranh thương mại và chính trị, sự đột phá công nghệ, tội phạm xuyên quốc gia, bất bình đẳng và thay đổi trong cấu trúc xã hội khu vực... Do đó, tất cả 10 quốc gia thành viên phải hợp tác chặt chẽ, dựa trên nền tảng thống nhất của ASEAN và nguyên tắc tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, thiết lập sự bền vững cho ASEAN ở mọi khía cạnh.

Lý giải cho chủ đề của năm ASEAN 2019, Thủ tướng Thái Lan cho biết: ASEAN sẽ sử dụng các tiến bộ công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để cùng nhau tiến lên một cách năng động và sáng tạo. ASEAN sẽ xây dựng các giải pháp từ công nghệ đột phá và các thách thức trong tương lai, đặc biệt đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để tiến tới một “ASEAN kỹ thuật số”. Mối quan hệ đối tác giữa ASEAN, các đối tác đối thoại và cộng đồng quốc tế sẽ tập trung vào khái niệm “ASEAN+1”, củng cố cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm và xem xét các biện pháp mang lại lợi ích cân bằng cho người dân. Điều này sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế với tất cả các nước và nâng cao vai trò của ASEAN trong môi trường quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

p1nr_20b
Cờ của các nước ASEAN. Ảnh: Nikkei

Việc tăng cường các quan hệ đối tác của ASEAN, một trong những động lực quan trọng là thúc đẩy kết nối bao gồm cơ sở hạ tầng, quy tắc và quy định, kết nối con người. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Năm Văn hóa ASEAN 2019. Việc thiết lập Trung tâm ASEAN về nghiên cứu và đối thoại phát triển bền vững, cùng Trung tâm ASEAN về đổi mới năng động sẽ góp phần quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đề ra. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã khẳng định với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019, nước này sẽ tiếp tục các công việc về những vấn đề mà ASEAN đã ưu tiên trong năm qua, đặc biệt là Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Điều này sẽ giúp bảo đảm tính liên tục và bền vững cho Cộng đồng ASEAN.

Vai trò của Ban thư ký ASEAN (ASEC) trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN cũng cần phải lưu tâm. Nằm ngay tại vị trí trung tâm của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN là ASEC có trụ sở tại Gia-các-ta, Indonesia. Các chức năng cốt lõi của ASEC là điều phối và tạo điều kiện, đồng thời hỗ trợ thực hiện hiệu quả các biện pháp và sáng kiến của ASEAN. Chức năng phân tích và giám sát của ban này được tăng cường nhờ các đơn vị, ban, ngành mới được thành lập gần đây nhằm phục vụ cho mục đích này trên cả 3 trụ cột của cộng đồng ASEAN. Để ASEC có thể đóng vai trò một cơ quan đầu não vững chắc và tự tin của Cộng đồng ASEAN được tôn trọng trên toàn cầu, phù hợp với Hiến chương ASEAN, thì ASEC phải được trang bị đầy đủ cả về nhân lực lẫn vật lực để phản ứng chủ động và hiệu quả trước những thách thức mà cộng đồng này phải đối mặt.

Với tinh thần trên, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kêu gọi tất cả các nước thành viên “làm việc hướng tới tăng cường và hiện thực hóa một Ban thư ký ASEAN chuyên nghiệp, với các cơ sở cần thiết và nhân lực tài năng, cũng như hoàn thành một kế hoạch cố kết nhằm tối ưu hóa công tác xây dựng Ban thư ký mới của ASEAN tại Gia-các-ta, hỗ trợ đầy đủ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”. Một ASEC vững vàng hơn sẽ hỗ trợ hiệu quả cho Cộng đồng ASEAN và các nước thành viên, góp phần hướng tới một ASEAN tự cường và sáng tạo trong những năm tới. ASEAN sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử đầy vinh quang của mình với việc hoàn thành xây dựng ASEC mới vào đầu năm 2019. Và Thái Lan có cơ hội để gắn tên mình với dấu ấn trọng đại này.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO