Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 05:58 GMT+7

Biên soạn sách giáo khoa cần quy tụ đội ngũ có năng lực và kinh nghiệm

Biên phòng - Ngày 12-3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

g6u9wrpbdi-11975_f_jt5kmfth1_123_toan_3_ok
 Toàn cảnh buổi thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Thảo luận Dự án Luật, các thành viên UBTVQH thống nhất cao các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến góp ý từ phiên họp trước, bám sát các Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa hơn nữa các nội dung quy định của Dự thảo Luật.

Quan tâm đến nội dung quy định về SGK, các thành viên UBTVQH đều nhận định, đây là vấn đề lớn, có nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cử tri cả nước. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, hiện nay SGK không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua, gây phản ứng không tốt trong xã hội.

Bên cạnh đó, việc quy định mỗi một môn học đều có một hoặc một số SGK và cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cũng gây nhiều băn khoăn trong nhân dân. “Quy định như vậy có thể phù hợp với bậc học cấp Trung học phổ thông, nhưng lại chưa cần thiết đối với bậc học mầm non, bậc tiểu học, có thể sẽ gây lãng phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định này” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất, nên xây dựng một bộ SGK chính thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các chuyên gia, các tổ chức xã hội… có thể tham gia biên soạn các loại sách tham khảo theo đúng tinh thần xã hội hóa, để người học lựa chọn.

Tiếp thu những ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Việc xây dựng bộ SGK lần này được cụ thể hóa chương trình có tính pháp lệnh thống nhất trong toàn quốc. Người dạy theo chương trình mới, không nhất thiết bám chặt SGK, mà còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy và học.

“Trong quá trình chuẩn bị, biên soạn SGK phải rất chi tiết, cần huy động các nhà khoa học, nhà giáo tham gia, khác hẳn phát hành sách thông thường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn SGK nhưng phải bám vào chương trình, quy trình, thủ tục biên soạn theo quy định của pháp luật. Khi có bản thảo sẽ được Hội đồng quốc gia thẩm định đảm bảo công bằng giữa các bộ sách, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn người viết SGK. Bộ trưởng ký ban hành sách sau khi đã được Hội đồng thẩm định, chứ không phải viết xong là phát hành” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận, để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng trước khi thảo luận các nội dung lớn của Dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến diễn ra vào ngày 4-4 tới.

“Quá trình biên soạn SGK cần quy tụ được những người có trình độ sư phạm, có năng lực chuyên môn, đã qua thực tiễn giảng dạy và quản lý để biên soạn SGK có chất lượng, tính ổn định cao, đáp ứng mong muốn của nhân dân, góp phần nâng cáo chất lượng giáo dục” - Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Viết Hà

Bình luận

ZALO