Biên phòng - “Lúc còn nhỏ, tôi ao ước là khi lớn lên, sẽ là người yêu của một anh bộ đội. Bây giờ, tôi là một cô bộ đội rồi, còn hơn cả niềm mơ ước. Sân khấu lớn nhất của đời tôi, là ở những miền đất biên cương”. Lê Thị Nhung – ca sĩ trẻ của Đoàn Văn công BĐBP, người vừa đạt giải Nhì, dòng nhạc thính phòng, giải Sao Mai 2017 mở đầu câu chuyện với tôi như vậy.

Tuổi thơ của Nhung ở Đại Từ, Thái Nguyên êm đềm với gia đình có bố là nông dân, mẹ là giáo viên tiểu học và cô được tiếp cận với âm nhạc rất muộn. Tuổi thơ của Nhung đầy ắp những kỷ niệm trên những đồi chè xanh chạy dài tít tắp ở vùng quê trung du.
Vùng âm thanh ghi đậm trong trí nhớ của cô là tiếng hát trong lành và ngọt mát của các ca sĩ Thanh Hoa, Thu Hiền... qua chiếc đài bán dẫn của bố. Những điều giản dị ấy nuôi lớn tâm hồn cô. Và dồn nén, rèn giũa suốt một quá trình học hỏi, tạo dựng để Nhung có một tiếng vang ở giải Sao Mai 2017.
Tiếng hát Lê Thị Nhung tuy không được giải cao nhất ở dòng nhạc thính phòng danh giá, nhưng cô đã để lại một dấu ấn về giọng hát soprano (nữ cao) vút bay, được rèn giũa có kỹ thuật và trải nghiệm. Bản thân Lê Thị Nhung không ngại các tác phẩm khó và kết quả đạt được rất xứng đáng.
Cho đến nay, khán thính giả chỉ được biết giọng hát, một lý lịch trích ngang từng tốt nghiệp Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và công tác tại Đoàn Văn công BĐBP. Bước đường để Lê Thị Nhung giành giải Sao Mai là một sự nỗ lực và quyết chí đầy chất lính của cô văn công Biên phòng.
Lê Thị Nhung quyết định đến với Sao Mai năm nay như là một cơ duyên. Cô bắt đầu hành trình Sao Mai tại Hải Phòng, trải qua quá trình chuẩn bị 4 tác phẩm. Cứ có kết quả vòng nào thì lại bắt tay vào lên kế hoạch chuẩn bị cho vòng tiếp theo. “Cứ thế từng nấc thang một, khi đứng trên sân khấu lớn của giải Sao Mai toàn quốc, tôi vẫn ngỡ mình đang hát bằng bản năng của chính mình” - Lê Thị Nhung bộc bạch.
Sự ngẫu hứng đó khiến Nhung nhiều lúc bị căng thẳng quá mức. Có lúc cô không biết hát bài hát nào thì phù hợp với mình vì quá nhiều phương án lựa chọn. Đến khi quyết định chọn được bài hát, thì chọn bản phối khí phù hợp cũng là một thách thức.
“Tôi bị áp lực của việc đặt ra cho mình tiêu chuẩn, phải làm sao cho tác phẩm mình thể hiện, hát như thế nào, xử lý kỹ thuật ra sao để khán giả nghe bài hát cũ mà không nhàm chán. Chỉ khi trong khán phòng những tiếng vỗ tay cất lên không ngớt, trong tôi mới òa lên nỗi nghèn nghẹn khi nhớ đến tất cả những cố gắng đã qua. Những chuyến đi xa khỏi Hà Nội, những khi lỡ xe, tôi phải chờ bắt bằng được chuyến xe sau đến cuộc thi tại Hải Phòng” - Nhung nói.
Trong vòng thi Khu vực phía Bắc, Nhung qua được vòng loại, khi chỉ còn 4 ngày nữa là lên sân khấu chính thức, cô ca sĩ trẻ lại phải đối mặt với thực tế là phải thay đổi bài hát đã chọn vì không hợp lý. Lê Thị Nhung gặp An Hiếu và ngay trong buổi chiều trước khi thi 3 ngày, nhạc sĩ An Hiếu chọn cho Nhung một bài hát Trung Hoa, mà anh đích thân chuyển ngữ lời Việt cho cô. Việc gấp gáp đến mức, nhạc sĩ An Hiếu chuyển trước cho cô một nửa bài đã chuyển ngữ trước để tập. “Tôi bắt đầu tập nửa bài đó, ăn cũng tập, ngủ cũng nhẩm. Nửa đêm tỉnh dậy, tôi còn lẩm nhẩm lời bài hát như là khấn nguyện, đến mức ám ảnh” - Nhung kể.
Khi buổi chiều được tập ghép với ban nhạc, thì buổi trưa Lê Thị Nhung mới nhận được lời chuyển ngữ của nửa bài hát còn lại. Thách thức, nhưng Nhung không bỏ cuộc. Cô cầm giấy để hát khi ghép nhạc. Ca khúc “Vũ khúc balle mùa xuân” được trình bày trôi chảy nhuần nhuyễn trên sân khấu là một nỗ lực phi thường của Nhung. Có lúc cô bị sốt cao nhập viện, đêm thi, Nhung vẫn hoàn thành tốt phần thi của mình. Ca khúc “Tình rừng” của nhạc sĩ Đức Trịnh, Nhung biểu diễn đầy cảm xúc. Rời sân khấu, cô lại trở về bệnh viện điều trị tiếp.
Lê Thị Nhung nói, thính phòng là dòng nhạc khó cho cả ca sĩ lẫn người nghe. Nhưng cô chọn nó cho sự nghiệp ca hát của mình và không hề có ý muốn “bẻ ghi” sang một con đường dễ dàng hơn. Hát nhạc thính phòng trước đây có thể bao gồm cả sự phô diễn giọng hát và thách thức tai thẩm âm của người nghe, giờ đây lớp ca sĩ mới như Lê Thị Nhung muốn nhạc thính phòng gần gũi hơn, không cần quá mạnh bạo, thay vào đó là sự tinh tế, xử lý sắc thái tác phẩm chạm đến được trái tim, cảm xúc của người nghe và người xem.
Thành công của ca sĩ Lê Thị Nhung:
- Huy chương Bạc tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc, tháng 11-2016.
- Giải Nhất tiếng hát truyền hình Hải Phòng tháng 6-2017.
- Giải Nhất Sao Mai khu vực miền Bắc - dòng nhạc thính phòng tháng 8-2017.
- Giải Nhì Sao Mai toàn quốc - dòng nhạc thính phòng tháng 10-2017.
Lê Thị Nhung thuộc lớp ca sĩ trẻ của Đoàn Văn công BĐBP. Trong thời gian dự thi Sao Mai, Nhung được đoàn quan tâm đặc biệt, chú tâm vào tập luyện để thi. Lê Thị Nhung cho biết, cô còn được đoàn quyết định hỗ trợ kinh phí cho việc phối khí bài hát, lựa chọn tác phẩm dự thi và được tư vấn chuyên môn, cũng như ổn định tâm lý cho mình. Điều đó làm một ca sĩ trẻ như cô cảm kích và coi đoàn là ngôi nhà thứ 2 của mình, thôi thúc cô phấn đấu. Trong đó, nhà giáo, NSND Thanh Xuân và NSƯT Hà Phạm Thăng Long là những người đã nâng bước và ghi dấu ấn trong quá trình trưởng thành về chuyên môn của Lê Thị Nhung.
Khi Lê Thị Nhung đoạt giải Nhì Sao Mai toàn quốc, tạo được dấu ấn trong lòng người xem, người nghe về giọng hát cũng như ấn tượng về sự nỗ lực, quá trình rèn luyện và cống hiến của cô. Bộ Tư lệnh BĐBP đã tặng Bằng khen cho Lê Thị Nhung, tạo điều kiện để cô ca sĩ tiếp tục vun đắp sự nghiệp. Nhung nói, cô còn nợ những món nợ với đồng bào, chiến sĩ các miền biên giới. Nơi cô đồng cảm và trân trọng về sự thiếu thốn đời sống tinh thần. Cô mong rằng tiếng hát của mình có thể đi tới khắp các vùng biên cương, làm vơi bớt những thiếu thốn về tinh thần cho đồng bào, chiến sĩ nơi đây.
Thụy Văn