Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 09:50 GMT+7

Biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh Covid-19

Biên phòng - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước láng giềng, đã đặt ra nhiều thách thức, sức ép nặng nề đối với lực lượng chức năng trong công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh từ bên kia biên giới. Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP đã trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương. Ảnh: Hồ Phúc

- Thưa Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, xin đồng chí cho biết những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta hiện đang phải đối phó trên tuyến biên giới Tây Nam?

- Việt Nam - Campuchia có chung biên giới trên bộ dài 1.137km, từ điểm cực Bắc là cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia đến điểm cực Nam là điểm bờ biển vịnh Thái Lan ở tỉnh Kiên Giang với 10 tỉnh biên giới và vùng biển tiếp giáp. Đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam và một phần Đông Nam Bộ kết nối với các trung tâm du lịch, giao thương là thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc, đặt các địa phương này trước nhiều thách thức tiềm ẩn lây nhiễm dịch bệnh. Cộng đồng người Khmer Nam Bộ ở nước ta với gần 1,3 triệu người có chung dân tộc, văn hóa, tôn giáo và thường xuyên có mối liên hệ giao lưu, gắn bó với người Khmer ở Campuchia. Đặc biệt, trong tháng 4 là dịp lễ hội của đồng bào Khmer nên nhu cầu đi lại thăm hỏi, giao lưu tăng cao.

Một vấn đề đáng lưu ý là ở biên giới Việt Nam - Campuchia, số lượng đồng bào Khmer gốc Việt, Việt kiều và công dân Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở Campuchia đông. Trước bùng phát của dịch bệnh ở đây, số đối tượng này đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, qua mạng xã hội, qua các đối tượng chuyên nghiệp để đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép. Và gần đây, dòng người Trung Quốc lao động trong lĩnh vực công nghệ tại các công ty của Campuchia cũng đang tìm mọi cách để vào Việt Nam và xuất cảnh trái phép qua Campuchia.

- Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có những giải pháp gì để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh Covid-19?

- Từ đầu tháng 2-2021, ngay sau khi xảy ra đợt dịch thứ 3 ở nước ta, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới trên bộ, đường biển. Đồng thời, tăng cường lực lượng từ các học viện, nhà trường và các đơn vị tuyến biển cho tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Hiện nay, cả 3 tuyến biên giới trên bộ hình thành 1.613 chốt, gồm: 1.225 chốt lưu động, 388 chốt cố định với 7.548 cán bộ, chiến sĩ.

Đối với tuyến biên giới Tây Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã cử 2 đoàn công tác vào Kiên Giang, Tây Ninh để kiểm tra, đôn đốc việc ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; điều động, tăng cường cán bộ, chiến sĩ từ các học viện, nhà trường và các đơn vị tuyến biển... để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới từ Kon Tum đến Kiên Giang.

Cùng với đó, chỉ đạo các tỉnh rà soát, lập chuyên án đấu tranh với các tổ chức, đối tượng tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép. Chúng tôi cũng luôn xác định, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng chống dịch trên biên giới nên đã chỉ đạo tiêm vaccine, cung cấp đầy đủ trang bị, phương tiện tốt nhất để anh em yên tâm bám trụ lâu dài tại các tổ chốt dọc đường biên; tổ chức khám bệnh định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm việc tại cửa khẩu.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương (thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Hà Tiên, Kiên Giang. Ảnh: Yến Ngọc

Bên cạnh đó, BĐBP Việt Nam thường xuyên phối hợp tuần tra, tổ chức các cuộc “gặp mặt hẹp” với lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giưới. Gần nhất là ngày 28, 29-3, tại Tây Ninh, Bộ Tư lệnh BĐBP đã gặp mặt đại diện lãnh đạo 4 lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia để thống nhất triển khai thực hiện quy chế phối hợp, trong đó có công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với An ninh hàng không, Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra, kiểm soát số người từ trong đất liền ra Phú Quốc phải khai báo dịch tễ. Lực lượng BĐBP cũng tăng cường tuần tra ban đêm, nhất là các cửa sông, bến cảng lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau... để kiểm soát hoạt động nhập cảnh trái phép từ Malaysia, Indonesia, Campuchia vào Việt Nam.

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP đã gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?

- Khó khăn trước tiên là hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp và tinh vi, bởi cùng lúc chúng tôi đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị khác. Thứ hai là đường biên giới dài, cơ sở vật chất còn hạn chế, lực lượng mỏng, lại trải qua thời gian dài căng mình chống dịch trong điều kiện khí hậu, thời tiết trên tuyến biên giới Tây Nam thay đổi theo vùng, theo thời điểm rất rõ rệt, gây hạn chế cho công tác và ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhất là các đồng chí từ phía Bắc tăng cường vào chưa quen điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.

Bên cạnh đó, là ý thức chủ quan, hám lợi của người dân khi tiếp tay cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép hoặc chính bà con tự ý vượt biên thăm thân, trao đổi hàng hóa, hay việc các nước láng giềng tăng cường kiểm soát, đẩy đuổi người Việt Nam lao động bất hợp pháp về nước.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các tỉnh biên giới Tây Nam cùng các lực lượng chức năng đã từng bước tháo gỡ những khó khăn này. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên cả 3 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và tuyến biển, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước đấu tranh thành công 51 chuyên án, vụ án tổ chức đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép; phát hiện, xử lý gần 3.000 vụ với 16.000 người xuất, nhập cảnh trái phép, tiếp nhận trên 15.000 người nhập cảnh qua cửa khẩu, bàn giao cho địa phương cách ly, xử lý theo quy định pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP An Giang tuần tra phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh: Hồ Phúc

- Thiếu tướng vừa nhắc đến yếu tố ý thức của người dân, vậy, qua một quá trình tuyên truyền, vận động của các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP thì đến nay đã có chuyển biến như thế nào?

- Trong thời gian đầu năm 2020, nhận thức người dân trên biên giới chưa đầy đủ, do đó, các vụ việc vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép còn xảy ra nhiều và ý thức trong phòng chống dịch của người dân chưa cao. Nhưng sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cao điểm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn tuyến biên giới với trên 6.000 buổi cho gần 1 triệu lượt người dân biên giới; cấp phát gần 1 triệu tờ rơi, tờ gấp in song ngữ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Khmer và tiếng Anh có nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép và 2.700 cuốn sổ tay hỏi đáp về dịch bệnh Covid-19... thì nhân dân có ý thức hơn, hoạt động của các loại tội phạm trên biên giới đã giảm.

Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, không chỉ là việc ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài biên giới quốc gia mà BĐBP đã xác định cần thực hiện phòng, chống dịch bằng “biên giới mềm”. “Chống dịch như chống giặc” không chỉ là yêu cầu, quyết tâm mà thật sự là một cuộc chiến không tiếng súng. Thực tiễn cho thấy, “chiếc áo giáp” an toàn cho người dân trước dịch bệnh không chỉ được bảo đảm bằng việc lập trạm, tuần tra, kiểm soát, hay chỉ triển khai bằng các biện pháp chuyên môn y tế, an toàn vệ sinh dịch tễ, mà còn là thế trận tổng lực. Do đó, BĐBP đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp để huy động tối đa các lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống dịch trên biên giới có hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

P.V (Thực hiện)

Bình luận

ZALO