Biên phòng - Vết thương dù có liền sẹo theo thời gian, nhưng trong tâm khảm người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, hơn 4 thập kỷ trôi qua, vẫn là nỗi niềm đau đáu về cuộc chiến, về tình đồng đội…
Hôm qua còn ở bên anh…
Mùa khô năm 1978, đơn vị chúng tôi được lệnh điều động lên Xa Mát, huyện Tân Biên, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Tây Ninh và Campuchia, sau đợt huấn luyện tại quân trường Lam Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa). Lần đầu tiên ra trận, đứng ở khu vực biên giới xung quanh rừng khộp, nắng đổ cháy da người, tiếng pháo nổ, tiếng súng lúc gần lúc xa, làm những tân binh chúng tôi có phần hồi hộp.
Hừng hừng khí thế ngày ra trận bảo vệ biên cương Tổ quốc nhưng trong giây phút có phần căng thẳng vì bỡ ngỡ giữa huấn luyện và chiến trường ác liệt. Bình tĩnh lại sau một đám mây màu khói đen đặc sánh, chiến sĩ Nguyễn Văn Hợi - người đồng hương, đồng ngũ đưa ánh mắt cười hồn nhiên nhìn đồng đội động viên, thêm chút pha trò: “Chiến tranh là chiến tranh!”. Cũng hôm ấy, sau bữa cơm chiều, mặt trời đã xuống núi, không gian chạng vạng, tiếng súng mỗi lúc một gay gắt, Hợi được lệnh vào tác chiến, còn tôi thực hiện nhiệm vụ tải đạn cùng nhu yếu phẩm lên chốt. Thế mà, sáng hôm sau...
Câu chuyện bị nấc nghẹn giữa chừng, nỗi buồn ẩn sâu sau đôi mắt Đại tá Nguyễn Xuân Trương, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai khi nhắc lại người đồng đội, đồng hương của mình quê ở xóm 3, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Đó cũng là ký ức đầu tiên của 40 năm trước ông phải chứng kiến anh Hợi bị thương nặng tại Lò Gò (xóm Giữa, thuộc huyện Tân Biên) với mảnh đạn cối xuyên ngang hông khi đối mặt với bọn Pol Pot. Anh Hợi được đồng đội đưa về tuyến sau, lúc này anh vẫn tỉnh táo và nhắc tên cha mẹ của mình để bác sĩ quân y ghi vào y bạ, nhưng các bác sĩ cứ ngỡ anh nói mơ lảm nhảm. Từ thông báo của đơn vị, anh Trương được điều lên giúp đỡ và đã chứng kiến giây phút cuối trước lúc ra đi của người đồng đội.
Sự vô giá của hòa bình
Đại tá Nguyễn Xuân Trương từng là người lính ở Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Ông tâm sự: Trong chiều dài lịch sử, chiến tranh biên giới Tây Nam là một cuộc chiến bắt buộc trước hành động xua quân xâm nhập biên giới giết hại hàng ngàn đồng bào ta và giết hại chính đồng bào mình của bọn Khmer đỏ. Để bảo vệ Tổ quốc thân yêu và giúp nước bạn Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương các tỉnh dọc tuyến biên giới Tây Nam những năm tháng ấy đã chủ động ngăn chặn địch.
Ngay từ mùa khô năm 1978 đến tháng 7-1979, Sư đoàn 320 là một mũi tiến công và làm nghĩa vụ quốc tế đánh thẳng vào tỉnh Kampong Cham, cùng với các đơn vị chủ lực bẻ gãy 5 sư đoàn thiện chiến của Pol Pot để giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia.
Đại tá Nguyễn Xuân Trương bùi ngùi nhớ lại: “Tôi là một người lính bộ binh cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chế độ diệt chủng như một người lính được lệnh bước trước quân kỳ. Những người lính thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia trong giai đoạn đất nước bị cấm vận nên vô cùng khó khăn, ăn đói, mặc rách; trong mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ chỉ có một bộ quân phục, một tay súng chiến đấu với cường độ cao; có người nửa tháng không tắm vì không có nước. Ghẻ lở chỉ có i-ốt sát trùng, sốt rét ác tính chỉ có ký ninh. Thời đó, đất nước vô cùng khó khăn, chúng tôi chỉ có bo bo, đậu rang để làm lương khô ra trận; gạo để dành cho thương-bệnh binh. Có nhiều lúc phải hy sinh đổ máu để giằng co từng khe suối cạn, gạn tìm giọt nước. Chúng tôi chặt từng đọt lồ ô để hứng từng giọt nước nhấm nháp đỡ khô họng. Mùa khô ở những cánh rừng khộp không tìm đâu ra nước trước sự giành giật trên trận địa, thậm chí sử dụng nước ở cả ao có xác người, xác động vật”.
40 năm qua đi, thời gian có thể xóa nhòa tất cả, nhưng ký ức về cuộc chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí Đại tá Nguyễn Xuân Trương. Trong câu chuyện ẩn chứa nỗi bùi ngùi, xúc động, ông nói: “1.000 thanh niên ở Nghệ An, Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ cùng thời với tôi thì có hơn 300 chiến sĩ ngã xuống, chưa kể thương-bệnh binh. Bởi vậy, niềm hạnh phúc lớn lao mà thế hệ chúng tôi mong muốn là hòa bình luôn đến cho tất cả mọi người”.
Bài học về dân vận
Đại tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai kể lại: “Sau khi đánh đổ tập đoàn phản động Khmer đỏ vào ngày 7-1-1979, bộ đội ta còn phải truy kích tàn quân, hỗ trợ xây dựng chính quyền mới, làm công tác dân vận là đưa người dân bị Pol Pot lùa vào rừng để trở vê xây dựng thôn bản; cấp phát thuốc, khám chữa bệnh, nhường cơm, sẻ áo cho họ trong lúc khó khăn. Nhiều chiến sĩ nhường khẩu phần của mình để cứu đói cho dân Campuchia”.
Theo “Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Binh đoàn Tây Nguyên 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1975-2015)”: Ngày 13-12-1978, Khmer đỏ huy động 10 sư đoàn tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, thực hiện chiến lược diệt chủng đối với người Việt Nam như đã làm với chính người dân Campuchia. Ngày 23-12-1978, sau khi được tăng viện với 80.000 quân, bộ đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận, đẩy lùi quân Khmer đỏ ra khỏi vị trí dọc biên giới. Và chỉ sau 2 tuần, với những chiến dịch thần tốc như vũ bão của đoàn quân Việt Nam bách chiến bách thắng, ngày 7-1-1979, Campuchia được hoàn toàn giải phóng.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, hầu hết các phum làng, thị xã ngày ấy như một “thành phố ma”, bộ đội Việt Nam phải tìm dân Campuchia từ rừng đưa về, nhiều người rất sõi tiếng Việt nhưng sợ Khmer đỏ quay trở lại trả thù nên không ai dám trả lời với quân tình nguyện Việt Nam. Nhưng bằng tình cảm của mình thông qua cứu đói, chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa và thực hiện nghiêm quân lệnh không đụng đến “cây kim, sợi chỉ” mà chỉ được phép “hít thở không khí, uống nước và sử dụng củi mục” trên nước bạn, nên quân tình nguyện Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin và mối quan hệ tốt đẹp giữa quân tình nguyện và nhân dân Campuchia.
“Từng là người lính trong kháng chiến chống Mỹ và 8 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia, thời gian chống Pol Pot tuy ngắn nhưng gian khổ, khốc liệt, bi tráng; tuổi trẻ chúng tôi bấy giờ thật sôi nổi, vô tư và trách nhiệm. Theo tôi, bài học về công tác dân vận trên đất Campuchia những năm tháng ấy đến nay vẫn nguyên giá trị. Có điều với tôi, chiến tranh thì ai cũng phải ra trận, nhưng lịch sử chưa được nhắc đến một cách xứng đáng giai đoạn này” - Đại tá Nguyễn Văn Minh ưu tư.
Khoảnh khắc chiến tranh và vì hòa bình cho nhân dân hai nước mà hàng ngàn quân tình nguyện Việt Nam năm xưa đã ngã xuống nơi chiến trường Campuchia, nhiều người đã để lại một phần thân thể, có người đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đó là chưa kể trong 10 năm sau đó, hàng vạn người con ưu tú của nước Việt tiếp tục đổ máu xương vì cuộc sống bình yên cho nhân dân Campuchia.
Lê Văn Nhung