Biên phòng - Ngày 4-6 vừa qua, cảnh sát Pháp tiếp tục giải tỏa 2 khu trại tạm chứa người nhập cư trái phép ở thủ đô Paris sau chiến dịch được Chính phủ nước này phát động từ tuần trước. Việc chính quyền Paris mạnh tay với người nhập cư đã buộc những người này phải tìm kiếm các trại tị nạn khác ở Paris và khu vực miền Đông Nam gần biên giới giữa Pháp và Italy để trú ngụ. Điều này khiến cho biên giới giữa hai nước, vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, lại càng trở nên bất ổn hơn.

Biên giới chưa bao giờ bình yên
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, đường biên giới giữa Pháp và Italy khá bình yên. Nhưng trên thực tế không phải vậy. Đường biên giới giữa hai nước luôn là “điểm nóng” trong nhiều thế kỷ. Biên giới Pháp-Italy là một trong những khu vực tranh chấp cuối cùng ở Tây Âu kể từ khi các vùng Tende và La Brigue (thuộc vùng Alpes-Maritimes) cũng như phần phía nam thung lũng Roya thuộc về lãnh thổ Pháp năm 1947.
Trước đó, từ cuối những năm 1940, từ bờ biển Ligure của Italy đến dãy núi Alps, hay các trục đường khác nhau đi qua biên giới Pháp-Italy là nơi mà hàng nghìn người di cư Italy vượt qua dãy Alps để sang Pháp làm việc. Do thời đó tỷ lệ thất nghiệp rất thấp nên cảnh sát không có lý do để phản đối lại sự di cư này.
Sau đó, nền kinh tế của đất nước hình chiếc ủng này phát triển mạnh mẽ khiến dòng chảy di cư này không còn tồn tại. Hàng rào biên giới cũng được dỡ bỏ khi Italy ký Hiệp định về đi lại tự do ở châu Âu (Schengen) năm 1997, hai năm sau khi Pháp phê chuẩn Hiệp định này.
Từ khi có Hiệp định Schengen, Italy trở thành “cửa khẩu” để những người vượt biên có thể nhập cư bất hợp pháp vào các nước châu Âu. Đầu những năm 2010, sự xuất hiện số lượng lớn người di cư trên bờ biển phía nam của Italy đã làm thay đổi tình hình. Trong những năm năm 2013-2014, Pháp, giống như Áo, đã tăng cường kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp tại khu vực biên giới.
Đỉnh điểm của việc gia tăng kiểm soát biên giới bắt đầu kể từ khi xảy ra một loạt vụ tấn công ở Pháp năm 2015. Vụ việc gây sự oán hận sâu sắc của người Italy đối với Pháp, khi Roma cho rằng Paris không muốn chia sẻ gánh nặng của việc tiếp nhận người di cư, trong khi chính Pháp đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến tranh Libya-một trong những yếu tố tạo nên làn sóng di cư ở vùng bờ biển Italy. Những căng thẳng này được biểu hiện bằng việc gia tăng các hoạt động quân sự ở cả hai bên biên giới, và đã có những xung đột nhỏ với cảnh sát và vệ binh Pháp.
Ngày 31-3 vừa qua, Rainbow4Africa, một tổ chức từ thiện giúp đỡ người di cư, cáo buộc giới chức hải quan Pháp đã xâm phạm văn phòng của tổ chức này tại ngôi làng nhỏ Bardonecchia thuộc dãy Alps (Italy) để xét nghiệm ma túy đối với một hành khách Nigeria trên chuyến tàu chạy theo hướng thủ đô Paris hôm 30-3 và thu được kết quả âm tính.
Vụ việc đã tạo ra làm sóng phản ứng từ phía Italy. Bộ Ngoại giao Italy đã triệu Đại sứ Pháp tại Roma và yêu cầu giải thích thông tin này, đồng thời cho rằng hành vi xâm phạm chủ quyền Italy theo cáo buộc trên là "không thể chấp nhận được". Vài ngày sau, Bộ trưởng Bộ Ngân sách Pháp, Gérald Darmanin, cho biết ông rất “lấy làm tiếc” vì sự cố này dù vẫn khẳng định nhân viên hải quan nước này vẫn luôn tuân thủ các quy định trong một thỏa thuận năm 1990 giữa hai nước, theo đó căn phòng mà tổ chức Rainbow4Africa đang sử dụng tại trạm Bardonecchia là không gian mà các quan chức Pháp được quyền tiếp cận. Tuy nhiên, nhằm hạ nhiệt căng thẳng, ông Darmanin cho biết, hiện tại phía Pháp đã tạm ngừng các hoạt động kiểm tra tương tự.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tuy nhiên, hai nước luôn tiềm ẩn căng thẳng ở khu vực biên giới. Cuối tháng 4 vừa qua, trên ngọn núi phủ đầy tuyết trắng Col de l'Echelle, các nhà hoạt động leo núi của tổ chức Identity Generation đã tổ chức tuần hành vì người di cư. 300 nhà leo núi đã tham gia vào một cuộc tuần hành để tố cáo các điều kiện đi lại gây nguy hiểm của người di cư ở khu vực núi Alps.

"Chúng tôi không muốn dãy Alps trở thành Địa Trung Hải thứ hai", một người tuần hành nói. Họ cảnh báo với công chúng về sự nguy hiểm của dãy núi Alps đối với người di cư giữa Italy và Pháp. Đây là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất để đến lãnh thổ Pháp. 515 km đường biên giới giữa Italy và Pháp, hầu hết trong số đó nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, với những đường dốc và tuyết phủ. Đối với người di cư, việc vượt qua dãy núi trên là quá nguy hiểm.
Trong bối cảnh dòng người di cư vẫn đổ về biên giới Italy để vào Pháp thì những va chạm ở biên giới như vụ ngày 30-3 vừa qua không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà nó còn cản trở việc tiến hành những nỗ lực chung của hai quốc gia và cả châu lục. Do vậy, để ngăn chặn tận gốc nạn nhập cư, cần có những giải pháp hỗ trợ các quốc gia Bắc Phi nhanh chóng ổn định an ninh xã hội. Trong khi chờ đợi một giải pháp hiệu quả, Italy tiếp tục là “cửa khẩu” bất đắc dĩ cho làn sóng nhập cư từ Bắc Phi vào châu Âu, trong đó có Pháp. Điều đó càng tạo nguy cơ bất ổn ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Thu Uyên