Biên phòng - Nhiều người ví vùng biên giới Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) là "vương quốc" của cây cỏ bàng, cách đây mấy năm, tại đây còn có cả một dự án bảo tồn đồng cỏ bàng hoang dã với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng nhằm bảo vệ loài cây cỏ mọc hoang, giữa bạt ngàn ở vùng biên giới này. Tuy nhiên, thực tế thì ở vùng Mộc Hóa (tỉnh Long An), cây cỏ bàng mới đem lại nguồn thu trực tiếp cho người nông dân.
|
Niềm vui của nông dân khi cỏ bàng được giá. |
Theo anh Tám Lợi, 34 tuổi, ngụ ở xã Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa), một người làm nghề khai thác cỏ bàng thì mấy năm gần đây, khi mùa mưa bắt đầu, anh cùng vợ lại sửa sang ghe để đi cắt bàng. Từ sáng sớm, hai vợ chồng đã giong ghe chạy vào vùng đồng cỏ hoang ở khu vực giáp ranh với biên giới Cam-pu-chia để cắt. Thường thì người đàn ông sẽ có nhiệm vụ lội xuống nước, có khi ngập tới cả vai để cắt cỏ. Cắt cỏ bàng diễn ra trong nước sâu, người cắt phải cắt sao cho cây cỏ càng dài càng tốt.
Chị Diêu, vợ anh ngồi trên ghe để sắp xếp lại cỏ cho thẳng và bó lại từng bó một. Nếu chăm chỉ, hai vợ chồng anh chị một ngày có thể kiếm được khoảng từ 60-80 bó cỏ bàng. Với giá bán hiện nay, người cắt cỏ có thể dư ra chừng hơn trăm ngàn, sau khi đã trừ tiền xăng dầu, ăn uống sau một ngày lặn ngụp dưới nước.
Khoảng thời gian này, nước bắt đầu lên ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây nên hầu như lúa và các loại hoa màu khác của nông dân đã thu hoạch. Vì thế, ngoài những người làm nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi, số người đi cắt cỏ bàng cũng rất đông. Tìm hiểu cuộc sống của những người nông dân cắt cỏ bàng ở đây, chúng tôi được biết, mặc dù cỏ bàng mang lại nguồn thu khá lớn cho người nông dân, nhưng để khai thác được nó lại là một việc làm không hề đơn giản.
Bắt đầu từ mờ sáng, những người cắt cỏ bàng phải chạy ghe vào sâu trong những cánh đồng hoang giáp biên giới để tìm cỏ. Cả ngày, hầu như họ luôn phải ngâm mình trong nước bởi những nơi có bàng, độ sâu của nước luôn phải cao trên 1m, nghĩa là nếu lội xuống, ngập tới bả vai. Theo nhiều nông dân, điều may mắn là mấy năm gần đây, khi mùa nước về, họ còn có sinh kế là lấy cỏ bàng chứ nếu không, khó mà tìm được cách kiếm sống khác. Những loài cây như sen, súng, điên điển hay cá, tôm, cua, ếch, ốc... mùa nước nổi đang dần trở nên khan hiếm.
Nhìn người phụ nữ đội chiếc nón trắng có khẩu trang che gần hết khuôn mặt vui vẻ đưa cỏ lên bờ, trên đôi bàn tay ướt sũng nước mà chúng tôi thấy vui lây, bởi sau tấm vải mỏng manh kia, ánh mắt chị rạng rỡ một niềm vui no ấm. Nhưng phía sau niềm vui ấy, chị và chồng đã phải rất vất vả trong một ngày làm việc giữa mênh mông đồng nước. Song dù sao họ cũng có niềm hạnh phúc nhỏ nhoi và ngày mai, họ lại tiếp tục công việc ấy, trên những đồng cỏ bàng bạt ngàn quê mình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính vì có rất nhiều nông dân đi cắt cỏ bàng mùa nước nổi và nhu cầu tiêu thụ cũng khá lớn nên những ngày này, tại vùng Đồng Tháp Mười, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây đã có hàng chục khu chợ cỏ mọc lên, là nơi giao lưu của người mua, người bán. Đặc trưng của những khu chợ cỏ bàng này là nằm ven sông, nhưng cũng gần tuyến quốc lộ 62, gần đó là một vài nhánh kênh rạch nhỏ. Như vậy, nông dân cũng dễ dàng đưa sản phẩm của mình đến bằng ghe, xuồng và thương lái, sau khi mua cũng thuận tiện vận chuyển sản phẩm đi bằng đường bộ.
|
Nhộn nhịp khai thác cỏ bàng. |
Chị Tám Hương, một chủ thu mua cỏ bàng cho biết, mỗi ngày, chị mua khoảng hơn hai ngàn bó cỏ bàng ở đây, sau đó đưa lên xe tải chở về nhà ở thị xã Kiến Tường. Chị tiếp tục thuê người sơ chế bằng cách phơi cỏ bàng đến khi nó khô lại rồi mới xếp lên xe, chở xuống dưới Đồng Tháp bán lại cho những cơ sở sản xuất chiếu dưới đó. Ngày nay, nhiều làng nghề đan ở Tiền Giang, Cần Thơ cũng rất cần nguyên liệu cỏ bàng nên nguồn cung hàng có hạn, bởi cỏ bàng chỉ khai thác trong khoảng thời gian chừng 3, 4 tháng mùa nước lên mà thôi. Vì vậy, tranh thủ thời gian này, các chủ vựa cỏ đi thu mua để dự trữ và rất nhiều nông dân tham gia khai thác cỏ.
Mặc dù đã từng đi qua rất nhiều vùng biên giới với vô vàn những sinh kế khác nhau nhưng chưa ở đâu, giữa mênh mông đồng nước như vùng biên giới Tây Nam này, chúng tôi lại thấy có nghề khá lạ là… cắt cỏ kiếm tiền. Đặc biệt, hiện nay, cỏ bàng đang trở thành một trong những loài cây hữu ích về mặt giữ gìn hệ sinh thái môi trường, duy trì hệ động, thực vật phong phú, đặc biệt là loài chim sếu. Hi vọng, thời gian sắp tới, cỏ bàng không còn là những cánh đồng hoang mà sẽ được quy hoạch thành những khu rộng lớn, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của vùng biên giới nơi đây.